logo

Viết đoạn văn chỉ ra những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng và nêu ý nghĩa của những chi tiết đó

Trong vô vàn những câu chuyện dân gian của Việt Nam có lẽ ít nhất một lần bạn đã từng nghe về câu chuyện Thánh Gióng. Vậy câu chuyện đó ra sao? Nhân vật thánh gióng là nhân vật như thế nào? Mời các bạn cùng Toploigiai giải đề bài: “Viết đoạn văn chỉ ra những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng và nêu ý nghĩa của những chi tiết đó” 


1. Giới thiệu về Thánh Gióng

Thánh Gióng là vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong công cuộc gìn giữ Tổ quốc, bảo vệ non sông. Gióng khi sinh ra tới ba tuổi mà vẫn chưa biết nói, biết đi, nhưng khi nghe tin có giặc ngoại xâm thì tinh thần yêu nước từ sâu trong Gióng trỗi dậy, Gióng lớn mạnh phi thường và xin được đi đánh giặc cứu nước. Gióng có được sức mạnh như vậy cũng là nhờ tinh thần đoàn kết của nhân dân ta, mong muốn đánh đuổi giặc ra khỏi đất nước. Gióng còn là người anh hùng rất thông minh khi roi sắt gãy, Gióng đã nhổ tre bên đường để đánh giặc cho thấy sức mạnh kết hợp giữa con người với thiên nhiên. Gióng đánh giặc với mong muốn đất nước được bình yên chứ không cần bất kì thứ gì cả, điều đó thể hiện Gióng là vị anh hùng thực sự, vì nước vì dân, sẵn sàng đứng lên chiến đấu mà không màng nguy hiểm. Gióng chính là hình tượng tiêu biểu của anh hùng chống giặc ngoại xâm.

>>> Xem thêm: Tóm tắt truyền thuyết Thánh Gióng


2. Ý nghĩa của truyện

Trong truyện Thánh Gióng, người ta nhớ nhiều đến người anh hùng cầm roi sắt, nhổ tre diệt giặc. Gióng được sinh ra bởi người dân quê chân chất, bởi một dấu chân kỳ lạ. Thánh Gióng tập hợp sức mạnh của cả thiên nhiên và con người. Nhờ vậy, nhân vật hội tụ một nguồn sức mạnh lớn lao có thể đánh tan mọi kẻ thù.

Thánh Gióng là biểu tượng của ý chí quật cường, chống giặc bất chấp khó khăn thử thách. Hình tượng này được xây dựng lên còn thể hiện một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước. Thời kì của vua Hùng gắn liền với cây lúa nước và quá trình chống giặc đầy hào hùng. Truyền thuyết có nhiều yếu tố kỳ ảo hoang đường. Nhưng nhờ những hình tượng như vậy, người dân có thêm niềm tin vào công cuộc chiến đấu bảo vệ bình yên cho dân tộc.

>>> Xem thêm: Ý nghĩa truyện Thánh Gióng


3. Dàn ý chỉ ra và phân tích những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng

a. Mở bài

- Thánh Gióng là một truyền thuyết nổi tiếng về vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, mỗi một chi tiết hoang đường, kì ảo trong câu chuyện đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt chứ không chỉ là mang đến sức hấp dẫn cho truyền thuyết.

b. Thân bài

* Xuất thân của Thánh Gióng:

- Có xuất thân kỳ lạ, cha mẹ xuất thân nông dân, ăn ở phúc đức , mẹ ướm chân vào vết chân lớn hoài thai 12 tháng rồi sinh ra ông.
=> Báo hiệu cuộc đời uy vũ, bất phàm

- Là đứa con trời đầu thai vào gia đình hiếm muộn, khẳng định một chân lý muôn đời, người anh hùng luôn xuất hiện trong nhân dân, được nuôi nấng bởi nhân dân và cuối cùng sẽ vì nhân dân mà hoàn thành sứ mệnh bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

=> Khẳng định phẩm chất anh hùng, phi thường của nhân dân ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

* Quá trình trưởng thành khác biệt:

- Ba tuổi không biết đi, đứng, nói cười, cha mẹ đặt đâu nằm im đó, sau khi gặp sứ giả thì lớn nhanh như thổi, cơm gạo ăn bao nhiêu cũng không đủ.

- Biểu trưng cho sức mạnh tiềm tàng đang ẩn giấu, một khi đất nước cần đến nó mới bộc phát, tô vẽ thêm cho vẻ đẹp phi phàm, uy vũ của người anh hùng trong truyền thuyết.

- Tượng trưng cho lòng yêu nước thầm kín của nhân dân Việt Nam, trong mỗi trái tim là dòng máu nóng hòa lẫn tình yêu nước nồng nàn, tình cảm ấy chỉ được bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất, phá tan lớp vở thầm lặng khi đất nước lâm nguy.

- Việc cả làng góp cơm, góp gạo cho Thánh Gióng ăn, là biểu tượng cho tình đoàn kết, thống nhất sức mạnh của toàn dân tộc.

* Chiếc roi sắt:

- Roi sắt gãy Thánh Gióng nhổ tre bên đường thay roi diệt giặc, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, vượt qua mọi thử thách gian nan của nhân dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

* Chi tiết bỏ giáp sắt, bay về trời:

- Thể hiện việc hoàn thành sứ mệnh của người anh hùng.

- Là niềm tin của nhân dân về sự bất tử của người anh hùng chống giặc, là niềm tin, khát khao mộng ước của nhân dân về sự giúp đỡ của thần phật trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

- Lý giải, và giảm nhẹ cho sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh của Thánh Gióng.

c. Kết bài

- Những chi tiết đặc biệt được đưa vào trong câu chuyện đã tạo nên sự hấp dẫn cho một tác phẩm, đồng thời còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt mà cổ nhân muốn gửi gắm.

- Thể hiện vẻ đẹp tín ngưỡng, văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân ta từ xa xưa, đưa đến những bài học sâu sắc có ý nghĩa giáo dục thế hệ đi sau về lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết và sự sáng tạo trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.


4. Đoạn văn mẫu chỉ ra những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng và nêu ý nghĩa của những chi tiết đó

Bài mẫu 1:

Các chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng thể hiện rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Chi tiết này chứng tỏ nhân dân ta luôn có ý thức chống giăc ngoại xâm. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sàng đánh giặc cứu nước. Đây là một chi tiết thần kì: chưa hề biết nói, biết cười, ngay lần nói đầu tiên, chú đã nói rất rõ ràng về một việc hệ trọng của đất nước. Tiếp đến, Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc. Gióng không đòi đồ chơi như những đứa trẻ khác mà đòi vũ khí, những vật dụng để đánh giặc. Đây cũng là mội chi tiết thần kì. Gióng sinh ra đã là một anh hùng và điều quan tâm duy nhất của vị anh hùng đó là đánh giặc. Chi tiết bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé cũng là một chi tiết đặc biệt. Gióng là đứa con của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tinh thần đồng sức, đồng lòng. Bên cạnh đó, Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ. Đây cũng là chi tiết thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Khi hoà bình là những người lao động rất bình thường, nhưng khi chiến tranh xảy ra, sự đoàn kết đã hoá thành sức mạnh phi thường, vùi chôn quân giặc. Lúc xung trận, khi roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. Chi tiết này khẳng định rằng: gậy sắt là vũ khí của người anh hùng nhưng khi cần thì cả cỏ cây cũng biến thành vũ khí. Điều đó thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong chiến đấu của nhân dân ta. Trong nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cha ông ta đã dùng đến cả gậy tầm vông, giáo mác, cày, cuốc,… để đối chọi với súng ống, xe tăng của giặc. Và cuối cùng Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng lên trời.

Bài mẫu 2:

Văn học dân gian Việt Nam vốn phong phú và đa dạng với nhiều thể loại ca dao, thành ngữ, tục ngữ, truyện cười, đố vui,... Trong đó có một phần lớn là sự đóng góp của các truyền thuyết mang tính lịch sử, phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân ta từ thuở sơ khai, là nhận thức và giải thích của con người trước những hiện tượng kỳ bí, chưa thể lý giải đồng thời cũng bộc lộ những niềm tin, những khát khao hy vọng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc dưới sự che chở của thánh thần và chân lý hướng thiện muôn đời. Thánh Gióng là một truyền thuyết nổi tiếng về vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, mỗi một chi tiết hoang đường, kì ảo trong câu chuyện đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt chứ không chỉ là mang đến sức hấp dẫn cho truyền thuyết.

Chi tiết đặc biệt đầu tiên đó chính là hoàn cảnh xuất thân của Thánh Gióng, như mô típ thường gặp của các nhân vật chính, sự ra đời của nhân vật này có nhiều điểm kỳ lạ báo hiệu một cuộc đời uy vũ, bất phàm. Cha mẹ là cặp vợ chồng già, đã lâu không có con, bà mẹ chỉ ướm chân vào một dấu chân lớn mà lại hoài thai mười hai tháng mới sinh ra ông. Dẫu Thánh Gióng không xuất thân quý tộc, hiển hách nhưng ông lại có cha mẹ là những con người hiền lành, chân chất, sống phúc đức điều ấy gián tiếp khẳng định gốc rễ nhân phẩm của nhân vật này. Đôi lúc người ta có thể suy rộng ra, Thánh Gióng là đứa con trời đầu thai vào gia đình hiếm muộn để bù đắp cho những điều phúc đức mà cha mẹ ông tạo nên ở nhân gian. Ngoài ra, xuất thân của Thánh Gióng còn khẳng định một chân lý muôn đời, người anh hùng luôn xuất hiện trong nhân dân, được nuôi nấng bởi nhân dân và cuối cùng sẽ vì nhân dân mà hoàn thành sứ mệnh bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó tương đương với việc khẳng định phẩm chất anh hùng, phi thường của nhân dân ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Chưa hết, việc sinh trưởng bất thường của nhân vật chính cũng đem lại nhiều ý nghĩa, ba tuổi không biết nói, không biết đứng, biết ngồi, cha mẹ đặt đâu nằm đấy là biểu hiện của sức mạnh tiềm tàng, đang ẩn giấu. Đôi lúc người ta liên tưởng sự sinh trưởng của Thánh Gióng cũng giống như loài tre xanh, mất bốn năm nuôi một bộ rễ hầu như chẳng thấy cây lớn, đến năm thứ năm thì chỉ trong một đêm cây có thể cao tới vài mét, đó chẳng phải là sự sinh trưởng thần kỳ sao. Thánh Gióng cũng vậy, ông bắt đầu lớn lên một cách thần kỳ sau khi gặp sứ giả, đó là sự lạ chưa từng thấy bao giờ, điều đó càng tô vẽ thêm cho vẻ đẹp phi phàm, uy vũ của người anh hùng trong truyền thuyết. Ngoài ra sự lớn lên kỳ diệu của Thánh Gióng cũng là tượng trưng cho lòng yêu nước thầm kín của nhân dân Việt Nam, trong mỗi trái tim là dòng máu nóng hòa lẫn tình yêu nước nồng nàn, tình cảm ấy chỉ được bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất, phá tan lớp vở thầm lặng khi đất nước lâm nguy. Hình tượng Thánh Gióng chính là biểu tượng cho lòng căm ghét quân thù và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, sẵn sàng trở nên lớn mạnh bất cứ lúc nào chống lại mọi kẻ thù xâm lược. Việc cả làng góp cơm, góp gạo cho Thánh Gióng ăn, là biểu tượng cho tình đoàn kết, thống nhất sức mạnh của toàn dân tộc, của hậu phương và tiền tuyến, mỗi hạt cơm hạt gạo đều chứa đầy những niềm tin, niềm hy vọng quét sạch bóng quân thù, trả lại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chi tiết roi sắt gãy, Thánh Gióng nhổ tre làm vũ khí đánh giặc là một chi tiết đắt giá và hay, nhằm ca ngợi sức mạnh, vẻ đẹp trí tuệ và sáng tạo của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Dù đương đầu với bất kỳ khó khăn nào, chúng ta cũng không lùi bước, thay vào đó sử dụng trí thông minh của mình để làm nên những kỳ tích tuyệt vời.

Hình ảnh Thánh Gióng bỏ lại giáp sắt cưỡi ngựa sắt về trời có nhiều ý nghĩa, trước tiên việc bỏ lại giáp sắt tức là ý giao phó, biểu trưng cho việc Thánh Gióng đã hoàn thành việc đánh đuổi quân thù, nay giáp sắt đã không còn ý nghĩa nữa. Chuyện cưỡi ngựa về trời nhằm nhấn mạnh, tô đậm thêm vẻ đẹp thần thánh, bất tử của người anh hùng trong tiềm thức của nhân dân, là niềm tin, khát khao mộng ước của nhân dân về sự giúp đỡ của thần phật trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Ngoài ra chi tiết này có thể còn lý giải, và giảm nhẹ cho sự tàn khốc của chiến tranh, việc Thánh Gióng biến mất, có một số tài liệu chép rằng do ông bị thương quá nặng, nên đã lặng lẽ vào rừng sâu rồi táng thân ở trong ấy không ra nữa. Nhân dân vì quá đau lòng nên đã chọn cách nghĩ rằng ông về trời phụng mệnh để cho câu chuyện thêm đẹp và bớt đi phần bi thương.

Những chi tiết đặc biệt được đưa vào trong câu chuyện đã tạo nên sự hấp dẫn cho một tác phẩm, đồng thời còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt mà cổ nhân muốn gửi gắm. Trước hết là thể hiện vẻ đẹp tín ngưỡng, văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân ta từ xa xưa, sau là đưa đến những bài học sâu sắc có ý nghĩa giáo dục thế hệ đi sau về lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết và sự sáng tạo trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

--------------------

Trên đây Toploigiai đã cung cấp một số đoạn văn mẫu hay đề bài: “Viết đoạn văn chỉ ra những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng và nêu ý nghĩa của những chi tiết đó”. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

icon-date
Xuất bản : 16/08/2022 - Cập nhật : 30/11/2022