logo

Soạn Sinh 10 Bài 16: Chu kì tế bào và nguyên phân - KNTT

Hướng dẫn Soạn Sinh 10 Bài 16: Chu kì tế bào và nguyên phân ngắn gọn nhất bám sát nội dung SGK Sinh học 10 trang 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103 bộ Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Hi vọng, qua bài viết này các em học sinh có thể nắm vững nội dung bài và hiểu bài tốt hơn.

Bài 16. Chu kì tế bào và nguyên phân trang 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103 SGK Sinh 10 Kết nối tri thức

>>> Xem thêm: Tóm tắt Lý thuyết Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất Kết nối tri thức


Yêu cầu cần đạt

Câu hỏi trang 97 SGK Sinh học 10

Mở đầu: Ảnh bên * chụp tế bào ung thư ở cơ thể người. Tế bào ung thư được hình thành như thế nào?

Soạn Sinh 10 Bài 16 ngắn nhất | Trả lời câu hỏi Sinh 10 Bài 16 - Kết nối TT

Lời giải:

Sự hình thành các tế bào ung thư:

- Các tế bào cơ thể người có phân chia hay không, phân chia nhiều hay ít đều chịu sự điều tiết bởi các tín hiệu điều hòa phân bào. Các tín hiệu điều hòa phân bào được chia thành 2 loại: Một loại kích thích và một loại kìm hãm tế bào phân chia.

- Nếu các tín hiệu kích thích phân bào được sản sinh quá nhiều, trong khi tín hiệu kìm hãm phân bào lại sản sinh quá ít sẽ làm cho tế bào phân chia quá mức dẫn đến hình thành nên các khối u.

- Giả thuyết về nguồn gốc phát sinh ung thư được nhiều nhà khoa học thừa nhận là do tế bào bị đột biến nhiều lần, làm rối loạn cơ chế điều hòa phân bào, khiến tế bào phân chia không kiểm soát tạo nên khối u ác tính. Hầu hết các bệnh ung thư là do đột biến genne phát sinh trong các tế bào cơ thể nên không di truyền được. Chỉ khoảng hơn 10% bệnh ung thư là do genne đột biến được truyền từ bố mẹ. 


Dừng lại và suy ngẫm - Mục I

Câu hỏi trang 98 SGK Sinh học 10

Câu 1. Chu kì tế bào là gì? Mô tả các sự kiện chính của chu kì tế bào.

Lời giải:

- Chu kì tế bào là khoảng thời gian từ khi tế bào được sinh ra, lớn lên và phân chia thành hai tế bào con.

- Chu kì tế bào được mô tả là một vòng tròn khép kín với hai giai đoạn chính là kì trung gian và quá trình nguyên phân:

+ Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng chính của tế bào, được chia thành các pha G1, S và G2. Pha G1 có sự tăng kích thước tế bào, tổng hợp các bào quan và tổng hợp, tích lũy các chất. Pha S có sự nhân đôi ADN, dẫn đến nhân đôi NST tạo thành NST kép. Pha G2 là pha gia tăng kích thước tế bào và chuẩn bị cho phân chia.

+ Quá trình nguyên phân gồm 2 sự kiện chính là phân chia nhân (qua 4 kì: kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối) và phân chia tế bào chất.

Câu 2. Kì trung gian là gì? Nêu tên và chức năng của các pha trong kì trung gian.

Lời giải:

Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng của tế bào, được chia nhỏ thành các pha:

- Pha G1: 

+ Tăng kích thước tế bào

+ Tổng hợp các bào quan

+ Tổng hợp và tích luỹ các chất

- Pha S: Nhân đôi DNA dẫn đến nhân đôi NST tạo thành NST kép.

- Pha G2: 

+ Gia tăng kích thước

+ Chuẩn bị phân chia

Câu 3. Hãy cho biết các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ với nhau như thế nào.

Lời giải:

Các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác được hệ thống kiểm soát chu kì tế bào điều khiển một cách nghiêm ngặt, đảm bảo cho chu kì tế bào diễn ra bình thường.

Câu 4. Điểm kiểm soát chu kì tế bào là gì? Giải thích vai trò của các điểm kiểm soát chu kì tế bào.

Lời giải:

- Điểm kiểm soát chu kì tế bào là các thời điểm mà ở đó các tín hiệu kích hoạt quá trình truyền tin tế bào đưa ra các đáp ứng đi tiếp hay dừng chu kỳ tế bào.

- Giải thích vai trò của các điểm kiểm soát chu kì tế bào:

+ Tại điểm kiểm soát G/S, tế bào sẽ đưa ra “quyết định” có nhân đôi ADN để sau đó bước vào phân bào hay không.

+ Ở điểm kiểm soát G2/M – điểm kiểm soát cuối G2 trước khi tế bào bước vào nguyên phân, lúc này hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” quá trình nhân đôi ADN xem đã hoàn tất và mọi sai sót đã được sửa chữa hay chưa.

+ Ở điểm kiểm soát thoi phân bào, hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” xem tất cả các NST đã gắn với vi ống của thoi phân bào hay chưa. Nếu chưa hoàn tất, chu kỳ tế bào cũng sẽ dừng lại. Điều này rất quan trọng, nếu không, các NST có thể sẽ không được phân chia đồng đều cho các tế bào con.


Dừng lại và suy ngẫm - Mục II

Câu hỏi trang 100 SGK Sinh học 10

Câu 1. Trình bày diễn biến của các kì nguyên phân.

Lời giải:

Diễn biến các kì nguyên phân

Các kì

Diễn biến

 Kì đầu

- Thoi phân bào bắt đầu hình thành.

- NST dần co xoắn.

- Màng nhân và hạch nhân tiêu biến.

Kì giữa

Các NST co xoắn tối đa và nằm ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. Các vị ông của thời phân bào đính vào 2 phía tâm động của NST

Kì sau

- Hai Chromatid chị em của mỗi NST kép bắt đầu tách rời nhau thành hai NST đơn và di chuyển trên thoi phân bào đi về hai cực đối diện của tế bào.

- Kì sau là kì có thời gian ngắn nhất.

Kì cuối

 

- Các NST dãn xoắn.

- Hạch nhân và màng nhân tái xuất hiện hình thành hai nhân mới.

- Thoi phân bào tiêu biến.

Câu 2. Nêu kết quả của nguyên phân. Nguyên phân có ý nghĩa gì?

Lời giải:

- Kết quả của nguyên phân: Sau khi phân chia nhận hoàn tất, vùng giữa của tế bào động vật dằn co thắt lại, chia tế bào thành hai tế bào con. Ở các tế bào thực vật, việc phân chia tế bào chất được thực hiện khi vách ngăn xuất hiện ở mặt phẳng xích đạo chia tế bào thành hai tế bào con.

- Ý nghĩa: 

+ Nhờ quá trình nhân đôi NST ở kì trung gian) và phân li đồng đều các NST về hai cực của tế bào (ở kì sau) nên từ một tế bào mẹ tạo ra được hai tế bào con có bộ NST giống nhau và giống với tế bào mẹ => đảm bảo duy trì ổn định vật chất di truyền qua các thế hệ tế bào.

+ Ở sinh vật nhân thực đơn bào, nguyên phân chính là hình thức sinh sản tạo ra cá thể mới; 

+ Ở sinh vật đa bào, nguyên phân làm tăng số lượng tế bào, thay thế các tế bào già và tế bào bị tổn thương, giúp cơ thể lớn lên và tái sinh các bộ phận cơ thể. 

+ Là cơ chế tạo ra các cơ thể mới ở các loài sinh sản vô tính. 

Dừng lại và suy ngẫm - Mục III 

Câu hỏi trang 102 SGK Sinh học 10

Câu 1. Phân biệt u lành tính với u ác tính.

Lời giải:

Phân biệt u lành tính với u ác tính:

- Khi khối u định vị ở một vị trí nhất định mà các tế bào của nó không phát tán đến các vị trí khác trong cơ thể được gọi là u lành tính.

- Nếu tế bào của khối u có thêm đột biến khiến chúng ta có thể tách khỏi vị trí ban đầu, di chuyển đến vị trí mới tạo nên nhiều khối u thì các khối u đó được gọi là u ác tính hay ung thư.

Câu 2. Nguyên nhân gây rối loạn quá trình điều hoà phân bào dẫn đến phát sinh ung thư là gì? Giải thích.

Lời giải:

Nguyên nhân gây rối loạn quá trình điều hòa phân bào dẫn đến phát sinh ung thư là:

- Tác nhân gây đột biến ở môi trường bên ngoài cơ thể như khói thuốc lá, các độc tố của vi sinh vật có trong các thực phẩm bị mốc, tia tử ngoại, nhiều loại hóa chất như chất độc màu da cam, tia phóng xạ,... 

- Tác nhân gây đột biến bên trong cơ thể như một số loại virus gây bệnh mãn tính (virus viêm gan B, virus gây viêm tử cung); các gốc tự do trong tế bào, sản phẩm của quá trình chuyển hóa và các chất độc hại mà cơ thể hấp thụ qua thức ăn hoặc từ các vi sinh vật sống kí sinh trong cơ thể.

Hầu hết các bệnh ung thư là do đột biến gen phát sinh trong tế bào của cơ thể nên không di truyền được từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ khoảng hơn 10% bệnh ung thư là do gen đột biến được di truyền từ bố mẹ.

Câu 3. Những loại ung thư nào phổ biến nhất ở người Việt Nam?

Lời giải:

Những loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến vú,…

Câu 4. Nêu một số biện pháp phòng tránh, chữa trị bệnh ung thư.

Lời giải:

- Một số biện pháp phòng tránh bệnh ung thư:

+ Hạn chế tiếp xúc với các nguồn chứa tác nhân gây ung thư.

+ Thường xuyên thăm khám sức khoẻ định kì để tầm soát phát hiện sớm khối u.

+ Chữa trị triệt để những bệnh viêm nhiễm mãn tính do virus và các loại vi sinh vật.

- Các biện pháp chữa trị ung thư hiện nay bao gồm:

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u.

- Chiếu xạ hoặc dùng hoá chất tiêu diệt các tế bào khối u.

- Dùng tế bào gốc để hỗ trợ quá trình điều trị khối u.

- Sử dụng liệu pháp miễn dịch tăng cường khả năng đề kháng...


Luyện tập và vận dụng 

Câu hỏi trang 103 SGK Sinh học 10

Câu 1. Trình bày được mối quan hệ giữa các giai đoạn trong chu kì tế bào. Tại sao tế bào lại cần có hệ thống kiểm soát chu kì tế bào?

Lời giải:

- Chu kì tế bào có hai giai đoạn chính là kì trung gian và quá trình nguyên phân. Hai giai đoạn này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giai đoạn kỳ trung gian là để tế bào lớn lên và sao chép nhiễm sắc thể của nó để chuẩn bị cho sự phân bào trong giai đoạn nguyên phân. 

- Cần có hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào do nó giúp điều khiển tế bào chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác một cách nghiêm ngặt, đảm bảo các chu kì tế bào diễn ra bình thường. Cụ thể:

+ Tại điểm kiểm soát G/S, tế bào sẽ đưa ra “quyết định” có nhân đôi ADN để sau đó bước vào phân bào hay không.

+ Ở điểm kiểm soát G2/M – điểm kiểm soát cuối G2 trước khi tế bào bước vào nguyên phân, lúc này hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” quá trình nhân đôi ADN xem đã hoàn tất và mọi sai sót đã được sửa chữa hay chưa.

+ Ở điểm kiểm soát thoi phân bào, hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” xem tất cả các NST đã gắn với vi ống của thoi phân bào hay chưa. Nếu chưa hoàn tất, chu kỳ tế bào cũng sẽ dừng lại. Điều này rất quan trọng, nếu không, các NST có thể sẽ không được phân chia đồng đều cho các tế bào con.

Câu 2. Các NST co xoắn cực đại và tập trung ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào vào kì giữa có ý nghĩa gì? Nếu các NST không co xoắn lại mà vẫn ở dạng sợi mảnh thì điều gì sẽ xảy ra khi các NST phân li ở kì sau?

Lời giải:

- Các NST co xoắn cực đại và tập trung ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào vào kì giữa có ý nghĩa:

+ Các NST co xoắn cực đại để giúp NST dễ xếp hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào đồng thời NST dễ dàng di chuyển, tránh va chạm dẫn đến đứt gãy NST trong quá trình phân chia NST ở kì sau.

+ Các NST tập trung ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào nhằm giúp tâm động của các NST kép dễ dàng được gắn đồng đều với các vi ống của thoi phân bào ở cả 2 phía. Nhờ đó, ở kì sau, mỗi NST kép được tách thành 2 NST đơn và sẽ được phân chia đồng đều về hai cực đối diện của tế bào.

- Nếu các NST không co xoắn lại mà vẫn ở dạng sợi mảnh thì các NST sẽ gặp khó khăn trong quá trình phân li NST ở kì sau khiến cho các NST có thể bị va chạm dẫn đến đứt gãy NST hoặc cản trở sự phân li đồng đều của các NST về 2 cực đối diện của tế bào. Điều đó sẽ khiến cho các tế bào con được sinh ra bị đột biến NST, ảnh hưởng đến sự duy trì ổn định vật chất di truyền qua các thế hệ tế bào.

Câu 3. Điều gì sẽ xảy ra khi hai chromatid của một NST nào đó không tách nhau ra ở kì sau của nguyên phân?

Lời giải:

Vì hai chromatid là bản sao chính xác của nhau, nếu chúng không tách nhau ở kì sau nguyên phân thì một số gen sẽ được nhân đôi trên nhiễm sắc thể. Khi các chromatid được kéo vào các tế bào khác nhau, tế bào có các gen được nhân đôi sẽ tạo ra nhiều protein hơn và biểu hiện quá mức tính trạng. Giao tử khác không có gen đó có thể gây tử vong.

Câu 4. Nếu tế bào đang phân chia được xử lí bởi hoá chất colchicine có chức năng ức chế sự hình thành vi ống trong hệ thống thoi phân bào thì hậu quả sẽ như thế nào?

Lời giải:

Thoi phân bào có vai trò quan trọng đối với sự vận động của NST trong quá trình phân bào. Như vậy, nếu tế bào đang phân chia được xử lí bởi hóa chất colchicine có chức năng ức chế sự hình thành vi ống trong hệ thống thoi phân bào thì thoi phân bào sẽ không được hình thành dẫn đến các NST đã nhân đôi nhưng không thể di chuyển và phân li về hai cực của tế bào. Kết quả dẫn đến hình thành tế bào con chứa tất cả bộ NST đã được nhân đôi (tế bào đa bội).

Câu 5. Không hút thuốc nhưng thường xuyên ngửi khói thuốc lá của những người hút thuốc xung quanh liệu chúng ta có nguy cơ bị bệnh ung thư không? Nếu có thì khả năng bị bệnh ung thư gì là cao nhất?

Lời giải:

- Khói thuốc là một tác nhân gây đột biến cho tế bào ở môi trường bên ngoài cơ thể. Do đó, dù không hút thuốc nhưng thường xuyên ngửi khói thuốc là của những người hút thuốc xung quanh thì chúng ta vẫn có nguy cơ bị bệnh ung thư.

- Nếu có thì khả năng bị bệnh ung thư phổi là cao nhất do khi ngửi khói thuốc lá thì khói thuốc chủ yếu sẽ đi vào trong phổi, tiếp xúc và tác động trực tiếp lên các tế bào ở đây.

>>> Xem toàn bộ: Soạn Sinh 10 Kết nối tri thức

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Sinh 10 Bài 16: Chu kì tế bào và nguyên phân trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 06/08/2022 - Cập nhật : 05/09/2022