logo

Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại của Vi Thùy Linh

Nhà thơ và những đối thoại là một trong những bài thơ đương đại hấp dẫn và có sức hút rất lớn với đọc giả trẻ hiện nay. Vậy nên, hãy cùng Toploigiai tìm hiểu bài Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại của Vi Thùy Linh nhé!


Dàn ý phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại

a. Mở bài: Giới thiệu nhà thơ Vi Thùy Linh, tác phẩm “ Nhà thơ và những đối thoại”

b. Thân bài: Phân tích nội dung và nghệ thuật

+ Cuộc đối thoại với nhà thơ: Trong mắt nhà thơ, việc làm thơ chính là kế sinh nhai hằng ngày, đôi khi tâm hồn thoải mái vì được sống với đam mê nhưng thể xác phải nao núng về cơm áo gạo tiền. Cái lắc đầu của nhà thơ già bày tỏ sự ngao ngán trước công việc của mình, đam mê không thể hoàn toàn nuôi sống chính mình. Vỏn vẹn ba câu thơ nhưng lại lột tả được nỗi lòng của tác giả, khắc họa rõ nét, đầy đủ những muộn phiền của nhà thơ già, đó chính là nghệ thuật của Vi Thùy Linh

+ Cuộc đối thoại với họa sĩ: Trong tâm hồn của một kẻ mộng mơ, thì nghệ thuật đáng quý biết bao, anh ta thể hiện sự khát khao với những vần thơ, sự nâng niu đối với nghệ thuật và chữ nghĩa. Người họa sĩ bày tỏ sự nâng niu qua lời nói của anh, anh sẽ đặt tập thơ cô viết nên giá sách anh yêu, giữ gìn và trân trọng chúng. Nhưng chưa hề nhắc tới việc sẽ đọc và thưởng thức chúng.

+ Cuộc đối thoại với người buôn bán: Đến với người buôn bán, nhân vật trữ tình đã có nhiều tâm sự hơn hai đoạn đối thoại trước, trước lời khuyên của dân buôn, nhà thơ đã thẳng thừng đính chính rằng cô không bán chữ mà là làm thơ. Cho thấy, cô không giống nhà thơ già lấy thơ làm kế sinh nhai, mà theo lời tâm sự, cô lấy thơ làm lẽ sống, cô yêu thơ và chẳng thể nào thiếu nó, dường như không gì đồng điệu như cô và lời thơ cô viết. Và giọng cười phá lên ở cuối bài châm biếm con người vì tâm hồn mà bỏ rơi thể xác, châm biếm cái rẻ mạt của con chữ, cho rằng đó là sở thích gàn dở. Tiếng cười mang sắc thái nghệ thuật to lớn và cũng tạo nên sự chiêm nghiệm người đọc.

Dàn ý phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại


+ Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật

- Nghệ thuật: thể thơ tự do, lối đối đáp sinh động hấp dẫn, xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo, tư duy tài tình

- Nội dung: dẫn dắt đến những chiêm nghiệm sâu sắc, lột tả được hình ảnh của thơ ca trong mắt những con người có tính cách và việc làm khác nhau. Đồng thời, thể hiện được quan điểm mỗi người đều có cái nhìn riêng về mỗi sự vật khác nhau; mỗi cá thể đều có đam mê và sở trường không trùng lặp.

c. Kết bài: Cảm nghĩ về tác phẩm “Nhà thơ và những đối thoại”


Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại

Vi Thùy Linh là một nhà thơ nữ Việt Nam, là một “hiện tượng” của thơ ca đương đại. Xuyên suốt sự nghiệp, cô đã cho ra đời hàng loạt các tập thơ tên tuổi như “ Linh” (2000) hay “Đồng Tử” (2005),.... Nhưng đặc biệt nổi trội, phải nói đến bài thơ “Nhà thơ và những đối thoại” in trong tập “Khát” các nữ tác giả trẻ. Bài thơ là sự chiêm nghiệm, là tiếng lòng và nỗi lo của nhà thơ về mặt trái của nghệ thuật, gánh nặng khi đứng giữa đam mê và cuộc sống.

Mở đầu bài thơ, nữ thi sĩ đã thể hiện sự độc đáo của mình khi biến bài thơ thành đoạn đối thoại ngắn, từ đó bày tỏ được nỗi lòng của người nghệ sĩ say đắm với đam mê

“Đối thoại 1: Với một nhà thơ

- Cháu thích làm gì nhất?

- Làm thơ

- (lắc đầu) Khổ lắm!”

Bằng lối đối đáp ngắn gọn, Vi Thùy Linh đã nhẹ nhàng lột tả được những lo âu của bản thân qua lời nói và hành động của nhân vật nhà thơ già. Trong mắt nhà thơ, việc làm thơ chính là kế sinh nhai hằng ngày, đôi khi tâm hồn thoải mái vì được sống với đam mê nhưng thể xác phải nao núng về cơm áo gạo tiền. Cái lắc đầu của nhà thơ già bày tỏ sự ngao ngán trước công việc của mình, đam mê không thể hoàn toàn nuôi sống chính mình. Dường như nó khiến người ta phải đứng ở “ngã ba đường” rồi đưa ra quyết định thật đúng đắn cho bản thân mình, nuôi giữ đam mê trong hiện thực tàn khốc hay chọn cho mình một con đường mới, một cuộc sống mới ổn định hơn? Vỏn vẹn ba câu thơ nhưng lại lột tả được nỗi lòng của tác già, khắc họa rõ nét, đầy đủ những muộn phiền của nhà thơ già, đó chính là nghệ thuật của Vi Thùy Linh.

Kết thúc cuộc trò chuyện với thi sĩ, cô lại bắt đầu trò chuyện với chàng họa sĩ – người yêu nghệ thuật đắm say, cho thấy sự đồng điệu và đồng cảm giữa hai con người phụng sự cho nghệ thuật.

“Đối thoại 2: Với một họa sĩ

- Nhớ tặng tôi tập thơ của em nhé!

- Nhất định rồi. Anh sẽ..

- Tôi sẽ đặt lên giá sách ở phòng khách nhà tôi.”

Qua câu thoại đầu tiên của chàng họa sĩ, ta đã nhìn thấy được sự yêu thích và trân trọng nghệ thuật của anh chàng. Tuy vậy, với anh ta, thơ cũng như một thứ quà để trang trí, anh ấy giữ gìn, nâng niu như những bức họa anh ấy vẽ nên nhưng chưa hề đề cập đến việc sẽ thưởng thức nó. Anh ta hiểu giá trị nghệ thuật nhưng chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của thơ ca. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận việc khát khao có được nghệ thuật của kẻ mộng mơ ấy, có lẽ đây chính là sự đồng điệu của anh ta và nàng thi sĩ, họ đều yêu mà ôm ấp những sản phẩm từ tinh thần chỉ là chưa thật sự hiểu rõ và thưởng thức đúng cách mà thôi! Bằng những câu thoại êm ái, lãng mạn nhà thơ đã đưa người đọc đến một chiêm nghiệm khác, cô bày tỏ quan niệm rằng không phải bất cứ người yêu nghệ thuật nào cũng thật sự đồng cảm với nhau một cách tuyệt đối, dù thế nào đi nữa thì chỉ có bản thân mình mới có thể hiểu và cảm thông cho chính mình...

Cuối cùng chính là đoạn đối thoại dài nhất bài thơ, chính là cuộc trò chuyện với người buôn, ta cho rằng đây chính là người ít thấu được nỗi lòng nghệ sĩ nhất nhưng bất ngờ thay, nhà thơ lại giải bày thật nhiều tâm sự trong lòng mình.

Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại

Đối thoại 3: Với một người buôn bán

- Cô thử đi buôn một chuyến xem,

Giàu hơn bán chữ trăm lần!

- Tôi không bán chữ

Tôi làm thơ

- Cô sống bằng gì?

- Viết báo

- Tôi chẳng viết nổi một dòng thơ

Quên đi

Đếm tiền sướng hơn chứ!

- Tôi làm thơ để giải tỏa những mong đợi

Con người tôi nếu trừ thơ, không còn là tôi nữa

Chị ta phá lên cười”

Trước lời khuyên của người đi buôn, nhân vật trữ tình đã dõng dạc thể hiện lòng mình, cô đính chính rằng: “ Tôi không bán chữ”, đồng thời còn khẳng định : “Tôi làm thơ” , đó cũng chính là một cách cô thể hiện niềm đam mê và trân trọng của mình đối với thơ ca. Thơ ca đối với cô không phải kế sinh nhai như nhà thơ già mà đó là lẽ sống, là tâm hồn của cô, cô và những dòng thơ đã hòa làm một. Nhưng dường như người buôn chẳng tìm được sự đồng điệu nào với cô nên đã cất lên một giọng cười châm biếm ở cuối bài. Là nụ cười khinh miệt, chị ta xem những người mơ mộng như những kẻ gàn dở. Nó như nét điểm xuyến làm nổi bật hơn cái chua chát khi hiện thực quá khốc liệt, đam mê đã không còn chỗ đứng khi cơm áo gạo tiền trở thành gánh nặng. Từ đó gợi cho ta về câu thơ của Tản Đà : “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Đó là sự châm biếm về sự rẻ mạc của con chữ. Qua những câu thoại cuối, ta thấy được sự sáng tạo trong nghệ thuật của Vi Thùy Linh, đồng thời cảm nhận được sự chua chát của đời người nghệ sĩ khi chẳng tìm được sự đồng điệu trong đời.

Với tư duy mới mẻ và hiện đại, Vi Thùy Linh làm cho bài thơ trở nên lôi cuốn và có sức hấp dẫn với thế hệ trẻ. Bằng thể thơ tự do, lối đối đáp sinh động hấp dẫn, xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo, tư duy tài tình, hình thức bài thơ sáng tạo đã dẫn dắt người đọc đến những chiêm nghiệm sâu sắc, lột tả được hình ảnh của thơ ca trong mắt những con người có tính cách và việc làm khác nhau. Đồng thời, thể hiện được quan điểm mỗi người đều có cái nhìn riêng về mỗi sự vật khác nhau; mỗi cá thể đều có đam mê và sở trường không trùng lặp. 

“ Thơ là tiếng nói của tâm hồn” vậy nên khi đọc tác phẩm trên khi cảm nhận được rất rõ một tâm hồn đầy suy tư trước cuộc đời nhưng đó cũng là một tâm hồn hết lòng vì đam mê, một đời phụng sự cho nghệ thuật, cho văn chương nước nhà. Đồng thời, những nét độc đáo hiếm có trong “Nhà thơ và những đối thoại” đã khiến cho tác phẩm vươn đến đỉnh cao, xứng đáng là một “hiện tượng đặc biệt” của thơ ca đương đại.

-------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các em các câu hỏi giải đáp cho đề Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Nhà thơ và những đối thoại của Vi Thùy Linh. Hy vọng các câu trả lời trong bộ đề sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các em!

icon-date
Xuất bản : 11/09/2023 - Cập nhật : 17/09/2023