logo

Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43

Thi phẩm Bảo kính cảnh giới là bài thơ thứ 43 thuộc phần “Bảo kính cảnh giới” (gương báu răn mình), ở phần vô đề của tập thơ “Quốc âm thi tập”. Tác phẩm được sáng tác khoảng những năm 1438 – 1439 khi nhà thơ chuyển về ở ẩn tại Côn Sơn. Qua Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43, ta thấy được tình cảm sâu nặng của Nguyễn Trãi dành cho quê hương đất nước


Bài thơ Bảo kính cảnh giới bài 43

"Rồi hóng mát thuở ngày trường.

Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tịn mùi hương

Lao xao chợ cá làng ngư phủ;

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương."


Nội dung chính bài thơ Bảo kính cảnh giới bài 43

      Nguyễn Trãi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là thể thơ Nôm Đường luật. Nổi bật trong số 254 bài của tập thơ, không thể không nhắc đến thi phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43). Bài thơ là một bức tranh ngày hè rạng rỡ, tươi xinh, sống động được viết vào khoảng thời gian tác giả về nghỉ ngơi tại Côn Sơn. Ở đây, nhà thơ đã được hoà mình với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi thôn quê và sống thật yên bình, nhẹ nhàng, khác hẳn nơi kinh thành đông đúc, mỏi mệt. Qua tác phẩm, Nguyễn Trãi cũng khéo léo bộ lộ tâm tư, tình cảm yêu thiên nhiên, yêu đất nước thiết tha.


Đặc sắc nghệ thuật bài thơ Bảo kính cảnh giới bài 43

- Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, gần gũi, thân quen.

- Kỹ thuật dùng phép đối tài tình.

- Hình thức bài thơ: Lục ngôn xen lẫn thất ngôn.

- Nhà thơ sử dụng khéo léo các biện phát đảo ngữ kết hợp cùng một loạt hệ thống chữ như “lao xao”, “dắng dỏi” cùng các động từ như “đùn đùn”, “phun”.


Dàn ý Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43

I. Mở bài

- Khái quát đôi nét về tác giả Nguyễn Trãi, tác phẩm Bảo kính cảnh giới (bài 43).

II. Thân bài

- Nội dung: Bảo kính cảnh giới bài 43 là một bức tranh ngày hè rạng rỡ, tươi xinh, sống động. Qua tác phẩm, Nguyễn Trãi cũng khéo léo bộ lộ tâm tư, tình cảm yêu thiên nhiên, yêu đất nước thiết tha.

- Giá trị nghệ thuật

+ Chủ đề tác phẩm đặc sắc, độc đáo.

+ Ngôn ngữ: mộc mạc, dân dã, quen thuộc.

+ Biện pháp đảo ngữ được sử dụng khéo léo, cùng việc sử dụng một loạt hệ thống từ láy, động từ mạnh => Tô đậm thêm vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên ngày hè.

III. Kết bài 

Nêu cảm nghĩ của em sau khi học xong bài thơ.

Dàn ý Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43

Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43

      Nói về văn thơ Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng nhận định rằng "Văn chương của Nguyễn Trãi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường". Thật vậy, Nguyễn Trãi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là thể thơ Nôm Đường luật. Nổi bật trong số 254 bài của tập thơ, không thể không nhắc đến thi phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43). Với những đặc sắc, độc đáo về nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại cho độc giả những ấn tượng sâu đậm.

      Đoạn thơ mở đầu đã gợi mở bức tranh thiên nhiên ngày hè với đầy đủ những nét đẹp:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường.

……

Hồng liên trì đã tịn mùi hương"

       Câu thơ đầu là sự phá cách táo bạo, nhịp điệu từ tốn, thong thả với cách ngắt nhịp 1/2/3 qua đó gợi phong thái, an nhàn, chẳng bận bịu của con người. Từ "rồi" được đặt ngay ở đầu câu nhằm nhấn mạnh vào cuộc sống rỗi rãi, thảnh thơi. Và trong thời khắc nhàn nhã ấy, người thi sĩ đã tìm về với thú vui tao nhã khi xưa: "hóng mát thuở ngày trường". Khung cảnh thiên nhiên ngày hè được nhà thơ thể hiện bằng các hình ảnh hết sức giản dị và gần gũi. Cây hoa vàng lá xanh tràn đầy sức sống, những tán hòe không ngừng phát triển, tạo nên những tập lá rậm rạp che rợp mặt đất. Cụm từ "tán rợp trương" gợi cho người đọc thấy một không gian rộng lớn được bao quanh bởi sắc xanh tươi tắn của những tán hòe. Bằng cái nhìn tinh tế, nhà thơ đã khéo léo khắc họa hình ảnh cây lựu trước hiên nhà. Động từ "phun" diễn nhựa sống căng tràn, mạnh mẽ không thể kìm lại. Từng bông hoa đỏ rực đua nhau bung nở. Ngoài ao, sen hồng cũng đang nở rộ và tỏa hương thơm ngát. Như vậy, chỉ vỏn vẹn với bốn câu thơ, Nguyễn Trãi đã thành công vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đằm thắm, tươi đẹp.

Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43

      Trong khung cảnh tĩnh lặng yên bình, bỗng chợt xuất hiện hình bóng cao người lao động:

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."

      Hình ảnh sinh hoạt quen thuộc của phiên chợ nơi làng nghề chài lưới tuy bình dị nhưng lại đầy ắp niềm vui tươi. Từ láy tượng thanh "lao xao" đã thể hiện âm thanh nhộn nhịp, rộn rã, tấp nập, đông vui của người dân. Trong buổi chiều tà, đàn ve cũng ngang qua góp vui với những bản nhạc "cầm ve" vang rộn ràng. Từ đây, bức tranh thiên nhiên ngày hè đã có sự kết hợi hài hòa giữa sắc màu, hình ảnh và âm thanh.

      Với hai câu thơ cuối, ta đã được chiêm ngưỡng tấm lòng cao cả của người thi sĩ:

"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương."

      "Lẽ có" nghĩa là lẽ nên có kết hợp cùng điển tích "Ngu cầm", Nguyễn Trãi kín đáo thể hiện ước mong về cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc. Ông thầm ao ước có cây đàn của vua Ngu Thuấn, để gẩy lên khúc Nam Phong mong cho "dân ta bớt ưu phiền", ngày càng giàu mạnh, no đủ. Câu thơ cuối chỉ với 6 tiếng ngắn gọn nhưng đã bao trọn tâm tư, cảm xúc dồn nén của Nguyễn Trãi. Ông tha thiết hy vọng và khát khao quần chúng nhân dân ở khắp nơi trên mọi mọi miền tổ quốc ta đều được hưởng đời sống êm ấm, hạnh phúc. Qua đó có thể thấy tấm lòng cao đẹp của Nguyễn Trãi vẫn luôn hướng về dân tộc, đất nước. Từ đó ta càng thêm nể phục, kính trọng và ngưỡng mộ người anh hùng "trung quân ái quốc", thấu hiểu thế sự, có tư tưởng tiến bộ "thân dân" luôn "lấy dân làm gốc".

      Chủ đề đặc sắc cùng nghệ thuật độc đáo, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả. Bảo kính cảnh giới bài 43 là một bức tranh ngày hè rạng rỡ, tươi xinh, sống động. Qua tác phẩm, Nguyễn Trãi cũng khéo léo bộ lộ tâm tư, tình cảm yêu thiên nhiên, yêu đất nước thiết tha.

>>> Xem thêm: Cảm nhận của em về bài bảo kính cảnh giới số 43 của tác giả Nguyễn Trãi

-----------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Bảo kính cảnh giới bài 43. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt bộ môn Ngữ Văn

icon-date
Xuất bản : 17/07/2023 - Cập nhật : 19/08/2023