logo

Phân tích bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương (ngắn gọn)

Mùa xuân luôn là chủ đề sáng tác bất tận cho thơ văn. Tác giả Vũ Quần Phương cũng đã chọn mùa xuân làm chủ đề cho bài thơ Vị mùa xuân của mình. Để các bạn có thể hiểu hơn về bài thơ, Toploigiai đã mang tới bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Phân tích bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương (ngắn gọn)

a. Mở bài:

Giới thiệu về bài thơ Vị mùa xuân

b. Thân bài:

- Đoạn 1: Bức tranh thiên nhiên mùa xuân

+ Thời gian được nhân hóa thành “Cô gái thời gian”

+ Thời gian mang tới mùa hoa đang độ thắm, mưa bụi trên cánh đồng, chim về trên cành, cá lượn cùng sông

=> Khung cảnh gắn liền với mùa xuân tràn ngập sức sống

- Đoạn 2: Bài học cha ông nhờ mùa xuân gửi đến con cháu

+ Mùa xuân như phong thư ngỏ vì mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm, ngỏ ở đây là lời chào

+ Trong phong thư mùa xuân mang tới là bài học cha ông dạy con cháu về việc cày cuốc đất đai, chăm chỉ làm việc để nhận thành quả

- Đoạn 3: Tiếp thu bài học cha ông truyền lại

+ Tác giả mang theo lời dạy của cha ông trên con đường tiến đến ước mơ của mình

+ Hy vọng nhiều như cỏ bao lấy chân của những người có ước mơ

+ Bài học về sự chăm chỉ, phải vượt qua khó khăn, gian lao thử thách mới thành công

c. Kết bài:

Khái quát lại nội dung và ý nghĩa bài thơ Vị mùa xuân


Phân tích bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương (ngắn gọn)

Phân tích bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương (ngắn gọn)

      Thiên nhiên thật kỳ diệu, nó ban tặng cho con người bốn mùa trong một năm. Mỗi mùa đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng biệt. Mùa hạ là mùa sôi động nhất với ánh nắng len lỏi khắp mọi nơi, mùa thu là mùa dịu dàng nhất, mùa đông lại mang tới sự tĩnh lặng, bình yên. Còn mùa xuân, mùa đầu tiên trong một năm lại mang trong mình vẻ đẹp tràn ngập sức sống. Có lẽ chính vì vậy, mùa xuân đã trở thành chủ đề sáng tác bất tận cho thơ ca, một số tác phẩm nổi tiếng viết về mùa xuân có thể kể đến như Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải, Xuân về của Nguyễn Bính hay Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử...Cũng viết về mùa xuân bài thơ Vị mùa xuân của nhà thơ Vũ Quần Phương đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bài thơ được in trong Văn nghệ  số 29 (20-7-1013) của Hội nhà văn Việt Nam.

      Mở đầu bài thơ Vị mùa xuân là một bức tranh thiên nhiên thật đẹp và đặc biệt:

“Cô gái thời gian

Vai gánh mùa hoa đang độ thắm

Mưa bụi đang bay với cánh đồng

Chim về gọi lá cho cành biếc

Cá lượn làm duyên với khúc sông”

      Ngay từ mở đầu bài thơ, tác giả Vũ Quần Phương đã mang tới một hình ảnh nhân hóa thật đặc sắc làm sao! Thời gian là một thứ vô hình, giờ lại được nhân hóa lên thành “cô gái thời gian”, thời gian đã trở thành một con người hoàn chỉnh, trong hình dáng của một cô gái là một người phụ nữ trẻ trung. Khi trở thành con người, thời gian đã thực hiện hành động như một người lao động chăm chỉ đó là “gánh”. Vậy thời gian gánh những gì trên vai? Thời gian gánh “mua hoa đang độ thắm” là mùa hoa đẹp nhất đến, mang cả mưa bụi đến “bay với cánh đồng”, đưa chim về để “gọi lá cho cành xanh biếc”, rồi làm cho cá bơi lượn “làm duyên với khúc sông”. Ở đây nhà thơ Vũ Quần Phương đã liên tiếp sử dụng biện pháp nhân hóa mưa biết bay, chim biết gọi, cá lại biết làm duyên nhờ đó mà sự vật đã trở nên thật sinh động, ngộ nghĩnh. Những thứ mà cô gái thời gian mang đến khiến người đọc cảm thấy hình dáng của mùa xuân đang hiện ra. Đúng như vậy, theo dòng thời gian, mùa xuân đã lại đến, mang đến những điều mà chỉ có nó làm được cho trái đất này. Đó chính là cây cối đâm chồi nảy lộc, mưa thuận gió hòa, muôn loài tràn ngập niềm vui tận hưởng cuộc sống. Mùa xuân như đem tới nhựa sống cho sự vật và con người. Trong đoạn thơ trên, tác giả Vũ Quần Phương không hề nhắc tới mùa xuân nhưng lại khiến mùa xuân hiện ra trước mắt người đọc, điều này đã thể hiện sự tài hoa cũng như tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ. Vì chỉ có yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân, nhà thơ mới có thể dùng lời văn một cách tài tình như vậy.

      Đến với khổ thơ tiếp theo, mùa xuân không chỉ xuất hiện cùng thiên nhiên mà còn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của con người:

“Mùa xuân như một phong thư ngỏ
Tôi đọc lời cha ông đất đai
Ruộng xưa về lại tay cày cuốc
Người trĩu mồ hôi, cây trĩu sai”

      Tại sao mùa xuân lại được tác giả ví như “một phong thư ngỏ”? Có lẽ bởi vì mùa xuân là khoảng thời gian đầu tiên của năm nên nó là một lời ngỏ, lời chào năm mới với một giai đoạn mới của cuộc sống. Mùa xuân như phong thư do thời gian trước đó gửi đến, trong đó chính là lời mà cha ông ta nhờ thời gian truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác. Cha ông dạy con cháu về đất đai, về việc cày cuốc đầu năm ở ruộng xưa, dạy con cháu bài học nếu chăm chỉ làm việc “Người trĩu mồ hôi” sẽ nhận được thành quả xứng đáng đó chính là “cây sai trĩu quả”. Mùa xuân mỗi năm tới đều thật đúng trách nhiệm của mình gửi lời dạy của cha ông, để con cháu có thể học theo, bắt đầu một năm làm việc chăm chỉ.

      Bài học mà mùa xuân mang tới trong phong thư ngỏ đó sẽ theo tác giả và người đọc cho đến cả những mùa xuân tiếp theo, mãi về sau nữa:

“Tôi đọc trên đường hy vọng cỏ
Phủ ngát chân người đi ước ao
Đất thuộc người làm sinh sôi đất
Tôi thuộc người đi với gian lao”

      Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đọc bức thư đó suốt chặng đường đời của mình. Đó là con đường hy vọng cỏ, những nơi có hy vọng trong cuộc sống và những niềm hy vọng đó sẽ sinh sôi và lớn lên như loài cỏ kiên cường, “phủ sát chân” những con người có ước mơ. Hai câu thơ cuối, người đọc chúng ta lại được nhà thơ gửi thêm những bài học thật quý giá trong cuộc sống. Đất sẽ chỉ thuộc về người làm sinh sôi đất, một câu thơ thật hay làm sao! Đất sẽ trở nên cằn cỗi nếu như không được chăm sóc, nếu như chúng ta biết chăm sóc đất, nó sẽ sinh sôi, phát triển giúp ích cho chúng ta, trở thành bạn của chúng ta và sẽ “thuộc” về ta. Đây chính là bài học nhấn mạnh thêm cho lời cha ông để lại ở phong thư ngỏ, đó chính là phải chăm chỉ, bỏ ra công sức mới có thể nhận lại thành quả xứng đáng với mình. Hay trong đối nhân xử thế cũng như vậy, phải đối xử tốt với mọi người trước mới mong nhận được sự yêu quý, kính trọng của mọi người. Tác giả đã theo lời dạy của cha ông và những gì mình cảm nhận được từ thực tế để rồi chọn cho mình một lối sống “đi với gian lao”. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã tự khẳng định mình thuộc người đi với gian lao. Điều này chứng tỏ nhà thơ là một người chăm chỉ, dũng cảm dám đối mặt với thử thách, dám đánh đổi để đạt được thành quả xứng đáng. Đây là một lối sống đáng ngưỡng mộ, vì qua gian lao, thử thách, chúng ta mới có thể học được nhiều điều trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nếu không chịu đi với gian lao, con người sẽ trở nên nhút nhát, lười biếng, để rồi phải hối hận vì bỏ lỡ nhiều điều đáng quý trong cuộc sống.

      Qua bài thơ Vị mùa xuân, tác giả Vũ Quần Phương đã mang tới cho chúng ta bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật chân thật và sống động. Cùng với đó, mùa xuân về đã mang theo lời dạy của cha ông với những bài học có giá trị về cuộc sống, về sự chăm chỉ trồng cây để nhận lại trái ngọt. Đây chính là bài học muôn thuở đối với tất cả mọi người để chúng ta cùng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và đón mỗi mùa xuân về hạnh phúc hơn.

--------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương. Bài thơ đã mang tới cho người đọc những cảm xúc thật mới lạ, cùng với đó là những thông điệp đầy tính nhân văn trong cuộc sống.

icon-date
Xuất bản : 28/12/2022 - Cập nhật : 15/07/2023