logo

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát (Trương Nam Hương)

Một bài thơ gợi nhớ về tuổi thơ, về tình cảm yêu thương của mẹ trong những năm tháng đầy ấm áp bình yên đó là bài thơ Trong lời mẹ hát của tác giả Trương Nam Hương đã thể hiện rõ nét tình mẫu tử. Hãy cùng Toploigiai Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát nhé!


Dàn ý phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát

* Mở bài

- Những nét chính về tác giả Trương Nam Hương, tác phẩm Trong lời mẹ hát.

- Dẫn vào bài thơ Trong lời mẹ hát

* Thân bài

- Khát quát đôi nét về bài thơ

- Vào các ý chính phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát

+ Ý thức về dòng chảy trôi của thời gian

+ Thời gian trôi đi, người mẹ cũng già dần, tóc mẹ bạc trắng.

+ Tình yêu thương của mẹ dành cho các con.

+ Những suy tư của người con

+ Tình cảm của người con dành cho mẹ của mình.

* Kết bài

- Khái quát lại nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ

- Cảm nhận, suy nghĩ về tình cảm của người mẹ

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát (Trương Nam Hương) - Mẫu 1

      Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhắc đến những tình cảm cao quý trong cuộc sống, có thể là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình thân thương hay những tình cảm bạn bè đầy hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò. Nhưng có lẽ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc sống là tình mẫu tử. Có ai được hỏi mà không trả lời là yêu thương mẹ của mình nhất, người đã nuôi nấng, chăm lo cho chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, những cái ôm nhẹ nhàng, ấm áp, những lời ru dịu dàng trong những trưa hè nắng nóng, không để chúng ta thiếu thốn hay cảm thấy buồn bã, người luôn thấu hiểu chúng ta là mẹ. "Tình mẫu tử" chỉ có ba từ ngắn ngủi nhưng ẩn sâu trong đó là những nét đẹp của một tình cảm thiêng liêng, đầy ấm áp. Chính vì vậy, nhà thơ Trương Nam Hương đã thành công khi khắc họa tình mẫu tử chân thực và sâu sắc bài thơ “Trong lời mẹ hát”.

      Những dòng thơ đầu tiên, tác giả nhớ về tuổi thơ đầy ấm áp thơ mộng khi nhận được tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con của mẹ:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

      Tuổi thơ của ai cũng vậy, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên từ những chăm sóc, nuôi nấng của mẹ, hình ảnh người mẹ quen thuộc bên những lời ru ngọt ngào, những câu truyện cổ tích đầy màu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn con được trong trẻo và ấm áp, sự nuôi dưỡng đó không ngại khó khăn, vất vả, mẹ ru con ngủ những trưa hè oi ả, những tiếng ru à ơi nhẹ nhàng ấm áp khiến con chìm vào giấc ngủ ngon. Con đã lớn lên như thế, lớn lên qua lời ru và sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ. Có thể thấy tình cảm của mẹ là tình cảm vô giá mà có lẽ những đứa trẻ sau này sẽ hiểu và yêu thương mẹ hơn.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

      Những câu thơ này chính là nói lên vẻ đẹp trong lời ru, những câu ca dao đầy ấm áp của mẹ, người con đã thấy những hình ảnh quen thuộc của làng quê trong câu hát, những rung cảm về cánh đồng xanh mướt, đàn cò trắng lấp ló đứng trên cánh đồng. Hay những màu vàng của hoa mướp, hình ảnh thú vị con gà cục tác, lá chanh được tác giả miêu tả và khắc họa khá thú vị bởi đó là những hình ảnh độc đáo pha chút bình dị mà mộc mạc của một làng quê đầy ấm áp.

      Trong lời mẹ hát - một bài thơ không quá dài nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến con người trong xã hội và khiến cho con người phải nhìn nhận lại bản thân mình với một cái nhìn đúng nghĩa:

"Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến xôn xao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao."

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát

      Thời gian trong bài thơ này thật lạ, nó vô tình đến nỗi được tác giả khắc họa chạy qua tóc mẹ, cứ thế trôi nhanh, thật nhanh mà có lẽ không thể quay đầu lại nhìn dù chỉ là một lần. Thời gian chảy trôi qua tóc mẹ, làm cho mái tóc xanh mượt ngày nào của mẹ giờ đây trở nên bạc trắng, bạc của những âu lo, bạc của những vất vả trong cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai mòn mỏi của mẹ, mẹ đã già yếu đi dần, khiến cho người con đi làm không khỏi xót xa. Mẹ già đi thì cũng là lúc con ngày một cao lớn, trưởng thành và đang bước đi trên con đường đời, sau này con cũng sẽ hiểu rằng, gánh nặng của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất để thử thách con người vượt qua. 

      Tình cảm yêu thương của mẹ là vô hạn, yêu thương con bằng cả trái tim, dù có phải làm việc như thế nào, dù có khó khăn đến đâu, mẹ vẫn cố gắng để cho con có một cuộc sống đủ đầy, một cuộc sống tốt mà không phải ghen tị với ai. Đó là sự hi sinh cao cả đầy ấm áp của mẹ, đó là tình cảm vô giá không thể nói và thể hiện ra ngày một ngày hai, đó là một tình cảm to lớn vô cùng, thiêng liêng quý giá. Tác giả sử dụng phép nhân hóa và dùng từ láy độc đáo làm ấn tượng đối với độc giả và lay động trái tim bao người con.

      Cuộc sống nhiều thay đổi, người con đã dành thời gian vào công việc, quên đi những tình cảm bình dị, những yêu thương bình dị của mẹ mà khi ở nơi xa lạ, người con đã vô tình quên đi tình mẹ nơi quê nhà. Những hình ảnh bình dị, mộc mạc của mẹ, mái tóc bạc trắng, lưng đã mỏi, sức đã yêu dần đi những câu thơ đã khiến cho biết bao thế hệ bạn đọc cảm thấy xót xa, ngậm ngùi, đánh thức tình cảm và ý thức trách nhiệm của con với đấng sinh thành:

"Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa ..."

      Đến đây, người con đã bộc lộ những tình cảm chân thật của mình dành cho người mẹ, trong hình ảnh giản dị từ cuộc đời, lời ru của mẹ, sự chăm sóc nuôi nấng của mẹ là sức mạnh để cho con bước vào đời, vươn cao và bay xa đến những tầm cao mới. Phép nhân hóa chính là biện pháp nghệ thuật hết sức đặc sắc khi cho rằng lời ru đã “chắp con đôi cánh”. Câu nói đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho người con để con vững tin hơn vào cuộc sống, vững chân trên con đường mà mình đã đi, dù có ra sao, thành công hay thất bại thì vẫn có mẹ ở đây, ở phía sau con chắp cánh cho ước mơ của con và giúp con vượt qua những khó khăn.

      Tình mẫu tử chính là tình cảm cao quý nhất trên thế gian, thiêng liêng và ấm áp đến lạ, không gì có thể so sánh được. Cuộc sống chúng ta, hãy biết yêu thương mẹ hơn, quan tâm mẹ hơn để hiểu được những công lao to lớn mà mẹ đã dành cho mình. Bài thơ Trong lời mẹ hát có lẽ là bài thơ vô cùng thành công đối với Trương Nam Hương - đã in dấu một tình cảm thiêng liêng đầy ấm áp của cuộc sống mà bạn đọc không thể bỏ qua.


Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát (Trương Nam Hương) - Mẫu 2

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài, mẹ thức đủ năm canh

Trong nhịp sống vội vàng và hối hả, mấy ai còn được nghe lời ru mẹ hát trong từng giấc ngủ, từng giai điệu à ơi quen thuộc của thời ấu thơ. Một cách đầy tự nhiên, âm thanh yêu thương ấy cứ êm ả, nhẹ nhàng mà trôi qua, thấm sâu và bồi đắp tâm hồn chúng ta. Nhà thơ Trương Nam Hương đã gửi gắm nỗi niềm, tâm tư và nỗi nhớ sâu sắc về những câu hát thâm tình ấy qua bài thơ “Trong lời mẹ hát”. 

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa

Trương Nam Hương là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ hiện đại, mang trong mình một hồn thơ đầy sâu sắc, giản dị nhưng giàu niềm tin và khát vọng. Trong hành trình trưởng thành của mình, mẹ mất sớm, nỗi ám ảnh mồ côi và tha hương đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông. Do đó, trong những vần thơ của Trương Nam Hương luôn có một “tôn giáo mẹ”, một người con đầy tinh tế, hiếu thảo, nặng tình nặng nghĩa. Trương Nam Hương – một thi sĩ cầm tinh con Mèo – một chú mèo thơ đài các trong ngôi nhà lộng lẫy. “Trong lời mẹ hát” là bài thơ với ngôn từ đầy giản dị và gần gũi, nhẹ nhàng như một tiếng hát du dương đưa con vào giấc ngủ, chứa đựng nhiều tâm tình sâu sắc và đáng suy ngẫm. 

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

Mở đầu bài thơ, Trương Nam Hương đã mở ra một bức tranh đầy sống động của quê hương, của thời ấu thơ. Tuổi thơ con gắn liền với những câu chuyện cổ tích mẹ hay kể, dòng sông quê hương cùng lời ru ngọt ngào của mẹ đưa con đi cùng đất nước, trưởng thành qua từng năm tháng. Câu hát ru của mẹ nhẹ nhàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, như dòng chảy của con sông, che chở và bao dung con. Mẹ dẫn dắt, nuôi dưỡng con nên người, “đưa con đi cùng đất nước”, cho con được trải nghiệm những truyền thống, văn hóa, bản sắc khác nhau qua từng câu chuyện cổ tích, từ đó hình thành trong con một lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cùng ý thức bảo vệ, xây dựng quê hương phát triển, vững mạnh. “Chòng chành nhịp võng ca dao”, câu thơ cho thấy con được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ, con luôn có giấc ngủ ngon và bình yên trong vòng tay mẹ, trong từng câu hát mẹ ru.

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”

Trong từng lời mẹ hát luôn chứa đựng hình ảnh quê hương đầy quen thuộc, góp phần hình thành tâm hồn con. Giữa dải đồng xanh bao la rộng lớn là cánh cò trắng bay lượn như những điệu múa thiết tha. Câu thơ đã khắc họa nên một làng quê thanh bình, mát mẻ, điểm xuyết vào đó là một màu vàng tươi của hoa mướp, “con gà cục tác lá chanh”, màu sắc, hình ảnh đầy tươi sáng và thú vị ấy như tâm hồn, khát vọng đầy trong sáng của trẻ thơ, tạo cho con những trải nhiệm đầy sống động qua lời ru của mẹ.

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Trương Nam Hương đã bày tỏ nỗi niềm xót thương sâu sắc dành cho mẹ, phép nhân hóa “thời gian chạy” đã làm biển đổi về ngoại hình của mẹ, mẹ già dặn, tóc cứ trắng dần theo thời gian, lưng cứ còng dần xuống, đó chính là dấu vết của thời gian, cũng chính là sự trưởng thành từng ngày của con, là sự hy sinh, tình yêu bao la của mẹ dành cho con. Con ngày một thêm cao, nhưng mẹ cũng ngày một già yếu, lòng con xót xa vô cùng. Những vần thơ trên là sự nhắc nhở chúng ta hãy biết yêu thương và trân trọng tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc của mẹ, bởi vì trong thế giới đầy chông gai này, sẽ chẳng có ai yêu thương, tin tưởng và đối xử tốt với chúng ta vô điều kiện như ba mẹ cả. Tình yêu của mẹ dành cho con là vĩ đại vô cùng, dẫu thời gian cứ trôi, lưng mẹ cứ còng dần xuống, mẹ vẫn muốn dành điều tốt nhất cho con.

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Khổ thơ cuối là lời bộc bạch, tình yêu của con dành cho mẹ. Lời hát ru của mẹ đã mở ra cuộc đời con, chắp cánh con bay xa, bay vào cuộc đời đầy tươi sáng, hạnh phúc. Hình ảnh “đôi cánh” chính là sức mạnh, tiềm lực của con, mẹ tin rằng con sẽ bay cao, bay xa mãi. Những vần thơ như một lời động viên, nguồn cảm hứng niềm tin mạnh mẽ rằng mẹ sẽ luôn bên cạnh và che chở con trong hành trình trưởng thành đầy chông gai, thách thức. Dù mọi thứ có đổi thay, mẹ vẫn luôn ở đó, cùng lời hát ru êm ả và làng quê thân thuộc, là động lực để con bay đến nơi tuyệt nhất, xây dựng một cuộc đời thật tuyệt. Con sẽ luôn trân trọng và biết ơn từng câu hát ru, tình yêu thương vô bờ của mẹ đã dành cho con.

Không có một khái niệm nào có thể giải thích hay chỉ rõ tình mẫu tử là gì, bởi đó là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua giọng thơ đầy ngọt ngào, lời văn tinh tế, giàu hình ảnh, bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương đã thành công gợi ra xúc cảm đầy xúc động và sâu lắng trong lòng bạn đọc. Tình yêu của mẹ như một dòng suối ngọt ngào không ngừng chảy, ấm áp và bao dung con trong từng bước chân của cuộc đời. Qua đó, bài thơ là lời nhắn nhủ thâm tình đến bạn đọc, chúng ta hãy là một đứa con ngoan, hiếu thảo, biết yêu thương, hiểu và trân trọng mẹ khi còn có thể nhé!

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

Con cò - Chế Lan Viên

 

Trên đây là các bài mẫu viết một bài văn phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát do Toploigiai biên soạn. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Cảm ơn các bạn

icon-date
Xuất bản : 21/12/2022 - Cập nhật : 19/04/2024