logo

Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh

Những năm kháng chiến vất vả nhưng vui vẻ luôn là quãng thời gian khiến nhiều người hoài niệm nhất. Trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, người chiến sĩ vẫn hướng tới những cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước và dành thời gian cảm nhận nó. Cảnh đẹp đó được gửi tới người đọc thông qua tác phẩm Cảnh rừng Việt Bắc. Mời các em cùng cảm nhận vẻ đẹp ấy cùng Toploigiai thông qua những bài viết Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh dưới đây.


Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh - Mẫu số 1

Trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt, những người lính và nhất là vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta vẫn có thể cảm nhận được thiên nhiên và vẻ đẹp của đất trời. Bài thơ được viết vào năm 1947, năm căng thẳng và quan trọng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tuy vậy, Bác vẫn lạc quan và có lẽ chỉ những người lãnh đạo mẫu mực mới có thể có tư thái như vậy.

Ngay đầu đoạn, cảnh rừng đã được Bác thông qua câu cảm khái khiến cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của Việt Bắc. Khung cảnh ấy làm người đọc tò mò, phải đẹp như thế nào mà người nhìn mới ngạc nhiên và phải thốt lên như thế. Khung cảnh nơi đây luôn động, có tiếng chim hát ca cả ngày làm cho không khí thêm rộn ràng mà không buồn tẻ vì thiếu sự xuất hiện của con người. Điều đó không làm lòng người khó chịu, vì những thứ liên quan đến tự nhiên đều được con người yêu thích và mang vẻ đặc trưng riêng.

Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh - Mẫu số 1

Những câu thơ tiếp theo là cuộc sống thực tế của con người nơi núi rừng. Dù cuộc sống ấy chẳng mấy đầy đủ, nhưng qua câu văn ta có thể thấy những người lính đều rất vui vẻ. Cuộc sống nương tựa vào thiên nhiên, lấy đó làm niềm vui và cũng thể hiện được sự lạc quan. Những bữa ăn được coi là đủ đầy thực ra đều rất đơn giản, nhưng người ăn lại hưởng thụ nó. Bởi thứ người ta chú ý chính là thiên nhiên kỳ thú nơi đây, là những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe. 

Trong những câu cuối cùng, niềm tin vào chiến thắng của người lãnh tụ và những người lính đều được thể hiện. Chiến thắng theo Bác đang ở rất gần, gắn với nó là khung cảnh tự do bội phần. Dường như cảnh vật cũ đang ở ngay đây đợi họ, là trăng xưa và hạc cũ. Thiên nhiên ấy như lòng người, đều chưa từng thay đổi. Sau chiến thắng họ lại trở về nơi đây, ôn lại những kỷ niệm bên núi rừng và cùng nhau thưởng thức bữa cơm đạm bạc. 

Qua đây, ta càng thấy vẻ đẹp của những người lính trong khi kháng chiến khó khăn, sự lạc quan và niềm tin của họ. Đặc biệt, những tính cách bình dị, tự tin và tài năng của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc càng được thể hiện rõ.


Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh - Mẫu số 2

Cảnh rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh được sáng tác vào những năm 1947, giai đoạn kháng chiến chống Pháp đang trở nên căng thẳng. Tuy vậy, Bác Hồ vẫn có thể cảm nhận được thiên nhiên tuyệt diệu và dành niềm tin vào chiến thắng của dân tộc.

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”

Ngay trong 2 câu thơ đầu tiên, Bác đã khiến cho người đọc ngạc nhiên vì khung cảnh Việt Bắc. Câu cảm thán khiến cho mọi người đều tò mò không hiểu được khung cảnh ấy xinh đẹp đến mức nào mà khiến cho một nhà lãnh đạo phải thốt lên như vậy. Cũng có lẽ, tâm hồn tác giả cũng quá đẹp, có thể đồng điệu và cảm nhận được thiên nhiên tươi đẹp đó. Trong câu thơ thứ hai, vẻ đẹp được làm rõ hơn khi biết được cả ngày thiên nhiên đều cất lên tiếng hát. Chúng không làm cho người nghe khó chịu, mà dường như khiến cho người đọc thêm rung động, biết cách thưởng thức hơn. Sự rộn ràng đó đã khiến cho cuộc sống làm việc tẻ nhạt của những người lính thêm đặc sắc muôn màu. 

“Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay,

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.”

Đoạn tiếp theo là cảnh sinh hoạt của con người ở nơi đây, là cuộc sống thường ngày của vị lãnh tụ và các chiến sĩ. Bên cạnh khung cảnh hùng tráng, cuộc sống của con người lại được đơn giản hóa hết mức, trở nên bình dị và gần gũi. Cuộc sống nơi đây tuy không khấm khá nhưng cũng đủ đầy, khi khách tới có những đặc sản đậm chất riêng để mời chào. Đây còn là phép ẩn dụ nói về những con người tại Việt Bắc, có lòng hiếu khách và yêu người. 

“Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.”

Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh - Mẫu số 2

Hai câu thơ cuối là niềm tin của một người mà như vạn người, là kỳ vọng vào chiến thắng cuối cùng của kháng chiến. Không chỉ vậy, đây còn là kết quả của quá trình kháng chiến dài đằng đẵng của cả dân tộc. Sau chiến thắng, núi rừng ấy vẫn còn ở đó, đợi những người lính chiến thắng trở về. 

Cảnh rừng Việt Bắc không chỉ là một bài thơ về vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Việt Bắc, mà còn là niềm tin của con người vào một chiến thắng trước mắt. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, vẻ đẹp của những người lính càng thêm rõ ràng. 

----------------------------------

Trên đây là một số bài mẫu Phân tích bài thơ "Cảnh rừng Việt Bắc" của Hồ Chí Minh. Hy vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện khi học tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 24/01/2023 - Cập nhật : 31/07/2023