logo

Phân tích bài Người thầy đầu tiên (Đuy-den) ngắn gọn - 2 mẫu

Nằm trong chương trình học Ngữ Văn lớp 8 ( Học kỳ II) đoạn trích Người thầy đầu tiên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của đông đảo độc giả. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tham khảo ngay bài Phân tích bài Người thầy đầu tiên (Đuy-den) ngắn gọnđược Toploigiai để có những định hướng phù hợp trong khi viết bài trên lớp giúp bạn đạt điểm cao nhé! 


Dàn ý Phân tích bài Người thầy đầu tiên 

I. Mở bài

- Giới thiệu tổng quan về tác giả và đoạn trích Người thầy đầu tiên 

II. Thân bài 

- Tấm lòng yêu thương, sự tận tình của người thầy Đuy-sen dành cho các học trò: 

+ Nhẹ nhàng quan tâm, hỏi thăm các em nhỏ khi chúng đi kiếm ki-giắc trở về 

+ Tự sửa sang lại trường học, đi kiếm củi dự trữ 

+ Bế các em qua núi trong thời tiết giá lạnh mùa đông 

- Tấm lòng biết ơn, trân trọng của An-tư-nai với công ơn của thầy Đuy-sen

+ Xúc động trước suy nghĩ của thầy

+ Yêu quý, kính trọng bởi tấm lòng nhân từ, cao cả của thầy

+ Khắc ghi công ơn to lớn của thầy 

- Sự trân trọng và xúc động khi biết câu chuyện của người họa sĩ

+ Cảm xúc sau khi đọc bức thư của bà viện sĩ An-tư-nai 

+ Cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi không tìm được ý tưởng cho bức vẽ

+ Người họa sĩ cuối cùng đã nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh về thầy Đuy-sen 

III. Kết bài 

- Khẳng định giá trị tác phẩm 


Phân tích bài Người thầy đầu tiên ngắn gọn - Mẫu 1

Phân tích bài Người thầy đầu tiên hay nhất

Với những sáng tác của mình, nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp vẫn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong lòng độc giả Việt Nam. Góp mặt vào chương trình Ngữ Văn 7 với đoạn trích truyện “Người thầy đầu tiên” ông đã thổi vào đó khắc họa chân thực về cuộc sống khổ cực, khắc nghiệt ở quê hương. Tác phẩm chính là lời ngợi ca về tình cảm thầy trò cao đẹp, thiêng liêng giữa người thầy giáo Đuy-sen và cô bé An-tư-nai. 

“Người thầy đầu tiên” mở ra câu chuyện xoay quanh người thầy giáo Đuy-sen và các em nhỏ tại làng Cư-rơ-gư-dơ-xtan. Ông là người thầy giáo đầu tiên mang con chữ đến với vùng quê nghèo nàn, lạc hậu nơi miền núi. Với tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, ông từng ngày cố gắng đem lại tương lai tươi sáng hơn cho những đứa học trò. Nhờ đó mà tạo nên một thứ tình cảm thầy trò thiêng liêng, cao đẹp. 

Trước tiên, thứ tình cảm này được tạo nên bởi chính thầy Đuy-sen - người thầy giàu tình yêu thương. Thầy tự tay sửa sang lại mái trường, căn phòng học. Thầy làm hết tất cả mọi chuyện lớn bé. Từ đắp lò sưởi cho tới bắc ống khói lên mái nhà. Lo sợ học trò rét vào mùa đông, thầy còn tính tới việc dự trữ củi để sưởi ấm căn phòng. Khi chứng kiến cảnh các em nhỏ phải đi kiếm ki-giắc, thầy nhẹ nhàng hỏi thăm, an ủi chúng. Tình yêu thương cao cả ấy của thầy giống như ánh nắng mặt trời, rực sáng trong tâm trí bọn trẻ. Chính thứ ánh sáng ấy đã thắp lên niềm hy vọng, động lực đưa chúng đến trường. 

Tình cảm thầy trò tiếp tục được tác giả khắc họa rõ nét qua tấm lòng biết ơn của An-tư-nai với thầy Đuy-sen. Trước những hành động tốt đẹp của thầy, cô bé ấy bày tỏ sự xúc động vô cùng. Cô và bọn trẻ ở đây chưa bao giờ ngừng kính trọng và yêu mến thầy. Bởi “tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi”. Thời gian qua đi, khi đã trở thành viện sĩ, An-tư-nai vẫn không bớt nguôi ngoai về công ơn dạy dỗ của người thầy đầu tiên ấy. Chính vì vậy mà bà đã viết thư cho một người họa sĩ, nhờ anh ta truyền tải đi câu chuyện tốt đẹp về thầy Đuy-sen. Bà mong rằng “ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này”. 

Phân tích bài Người thầy đầu tiên hay nhất

Tấm lòng của bà viện sĩ cùng tình thầy trò cao đẹp đã để lại niềm xúc cảm vô bờ cho anh họa sĩ. Tuy chỉ đơn thuần là được nghe kể lại, thế nhưng, khi đã thấu hiểu được hết toàn bộ câu chuyện, anh cũng không khỏi “mang nặng trong lòng những ấn tượng của lá thư ấy mấy ngày liền”. Cũng chính vì mong muốn lan tỏa câu chuyện đẹp này tới tất cả mọi người, anh đã trăn trở, lo lắng khi chưa tìm được ý tưởng cho bức tranh. Anh tự dặn lòng mình bằng mọi cách phải nghĩ ra thứ gì đó thực sự hoàn hảo. Để rồi, đáp lại sự cố gắng là nhiều ý tưởng bức tranh lần lượt ra đời. 

Thông qua đoạn trích “Người thầy đầu tiên”, nhà văn Ai-tơ-ma-tốp đã khéo léo gửi gắm niềm yêu mến, trân trọng và tôn vinh tới thứ tình cảm thầy trò đầy cao cả. Gửi lời tri ân sâu sắc tới những người thầy cô giáo đang miệt mài cố gắng chèo lái con đò tri thức. Cùng với đó là bày tỏ tấm lòng nâng niu, thương yêu những số phận kém may mắn trên cuộc đời, vươn mình khỏi hoàn cảnh của bà viện sĩ An-tư-nai. Dù thời gian có trôi đi những dấu ấn sâu đậm về bài văn chắc chắn vẫn luôn còn mãi trong lòng bạn đọc. 


Phân tích bài Người thầy đầu tiên ngắn gọn - Mẫu 2

Nhà văn Golobolin đã từng nói rằng: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”. Thật vậy, nghề giáo không thể nhìn thấy kết quả trong một hai ngày làm việc, mà nó được biểu hiện qua sự thành công, lớn khôn từng ngày của các cô cậu học trò thân thương. Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của nhà văn Ai-ma-tốp đã nói lên những tâm tư, niềm tôn kính dành cho người thầy Đuy-sen, thầy là một người thầy vĩ đại, luôn tâm huyết và yêu thương học trò của mình – những mầm non tương lai của đất nước.

Ai-ma-tốp là một nhà văn người Cư-rơ-gư-xtan, ngòi bút của ông thường hướng đến, lấy cảm hứng dựa trên quê hương thân yêu của mình – một vùng đất đầy khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng lãng mạn và tích cực của người dân nơi núi đồi Cư-rơ-gư-xtan. Họ luôn có niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống tràn đầy yêu thương, nơi những cuộc chiến tàn khốc qua đi, tình yêu, tình thân, tình bạn được vun đắp, thoát khỏi sự ràng buộc của những tập tục lạc hậu, đầy tư tưởng phong kiến.

Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” được xuất bản năm 1962, lấy bối cảnh vùng núi lạc hậu, đơn sơ - Cư-rơ-gư-xtan – vào những năm đầu thế kỉ XX. Đuy-sen là một trong những ngôi thầy đầu tiên của ngôi làng, bỏ qua những khó khăn, vất vả, thầy luôn hết lòng vì những cô cậu học trò bé nhỏ, đồng hành cùng các em không chỉ trong những buổi học mà  còn cả trên con đường đến trường đầy gian nan, khắc nghiệt. An-tư-nai là một cô học trò đầy nổi bật bởi trí thông minh và lanh lợi của mình, bỏ qua mọi sự châm chọc và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không phụ lòng sự chăm sóc và dạy bảo tận tụy của thầy, cô bé đã thành công lên thành phố rộng lớn, học tập và phát triển chính mình. Người họa sĩ đồng hương vì cảm động trước tình cảm thầy trò day dứt và cao quý, ông đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp để ghi lại khoảnh khắc đầy thiêng liêng ấy.

Phân tích bài Người thầy đầu tiên ngắn gọn

Có thể nói, thầy giáo Đuy-sen là người thầy đầu tiên cũng là người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời của An-tư-nai. Thầy là một người giàu lòng yêu thương, tận tụy với nghề, với những người học trò bé nhỏ của mình. Thầy không ngại khó khăn, đến một ngôi làng nhỏ bé để dạy học, truyền đạt kiến thức. Thầy làm tất cả mọi việc để các em có một buổi học thật chất lượng và ấm áp, thầy đã tự tay sửa sang lại trường lớp, đắp lò sưởi, bắc ống khói trên nhà, dự trữ củi để sưới ấm. Không những vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bắt gặp hình ảnh các em nhỏ phải mang những bao ki-giắc to hơn cả người mình, đôi chân đau buốt và lạnh cóng bước qua những dòng nước buốt giá, những hình ảnh ấy đã ấn tượng sâu trong tâm trí thầy, thầy đau lòng và xót xa vô cùng. Do đó, thầy đã không ngần ngại giữa mùa đông lạnh giá, đôi chân bì bõm lội ở suối nước, hàng ngày cõng từng em qua dòng nước ấy, cố gắng hết sức để các em được an toàn và bình an. Đối mặt với những lời dèm pha, chế giễu, châm biếm của bọn nhà giàu trước cảnh đến trường đầy khó khăn, vất vả ấy, thầy vẫn luôn bình tĩnh, mặc kệ và bao bọc những cô cậu học trò bé nhỏ của mình, thấy kể cho các em những câu chuyện vui để xoa dịu tâm hồn đang phải chịu nhiều tổn thương ấy. Thầy đã khéo léo, thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện khi biết được An-tư-nai là trẻ mồ côi,  thầy luôn ở bên, tin tưởng và cổ vũ cô học trò, là nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy cô bé nên người thành tài. Thầy giáo Đuy-sen là một người thầy vô cùng vĩ đại, nhân hậu và chất phác. Thầy không chỉ mang đến cho các em tri thức, những con chữ, mà thầy còn dạy các em về bài học cuộc sống, về cách làm người lương thiện, luôn quan tâm và che chở học trò trên con đường trưởng thành đầy khắc nghiệt. Thầy luôn tin tưởng và hy vọng các em sẽ thành công trên con đường mình chọn, sẽ có thể vươn cao, bay xa tới những vùng đất mới, khám phá những điều mới, trưởng thành và hoàn thiện bản thân từng ngày.

An-tư-nai là một cô học trò trọng tình trọng nghĩa. Dù thiếu vắng đi tình thương của cha mẹ, nhưng cô bé vẫn mang trong mình một tâm hồn trong sáng và lương thiện. Thật may mắn, vì cô đã có được một người thầy tốt, lớn lên trong tình thương, sự dạy bảo tận tình và sự động viên, tin tưởng, khích lệ không ngừng của thầy Đuy-sen. Sau này, khi đã thành công trên bước đường mình đã chọn, An-tư-nai vẫn luôn nhớ đến người thầy đầu tiên của mình, cô vẫn luôn biết ơn sự dạy bảo to lớn và thiện lương của thầy. An-tư-nai hy vọng tất cả mọi người sẽ biết đến câu chuyện về thầy, biết đến một tấm lòng cao cả và vĩ đại, "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này”.

Dưới ngòi bút nghệ thuật xây dựng nhân vật tài hoa, tinh tế, đậm chất hội họa, kết hợp cùng lời văn nhẹ nhàng, giản dị, lối kể chuyện chân thật, hấp dẫn, ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật vô cùng gần gũi, truyền cảm. Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” đã thành công mang đến cho bạn đọc những rung cảm, suy nghĩ sâu sắc, ấn tượng về tấm lòng vị tha và vĩ đại của người thầy Đuy-sen.

Qua đó, tác phẩm còn chứa đựng những tâm tư, tình cảm của nhà văn Ai-tơ-ma-tốp muốn gửi gắm đến độc giả, hãy biết yêu thương và trân trọng thầy cô – những người lái đò tri thức – người luôn dành tất cả tình yêu thương và hy sinh thầm lặng cho mình dù không không có máu mủ ruột thịt. Những chuyến đò tri thức ấy, tuy lặng lẽ nhưng là một phần quan trọng, không thể thiếu đưa chúng ta đến bến bờ thành công, hạnh phúc.

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm.

---------------------------------------

Hy vọng nội dung trên đây sẽ là tài liệu tham khảo giúp ích được cho các em trong quá trình đọc hiểu, phân tích bài người thầy đầu tiên ngắn gọn. Chúc các em học tập thật tốt.

icon-date
Xuất bản : 06/02/2023 - Cập nhật : 22/04/2024