logo

Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng

Tuyển chọn những bài văn hay Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng – Mẫu số 1

Nguyễn Du là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, được mệnh danh là đại thi hào, trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại nhiều tác phẩm hay và có giá trị, nổi bật nhất có thể kể đến đó chính là đại kiệt tác Truyện Kiều. Đoạn trích Chí khí anh hùng là một trong những đoạn trích khá tiêu biểu, Nguyễn Du đã miêu tả chân dung cũng như khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải. 

Trong đoạn trích Chí khí anh hùng, tác giả Nguyễn Du đã tập trung miêu tả và làm nổi bật lên vẻ đẹp ý chí và phẩm chất của Từ Hải. So với nhân vật Từ Hải trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện thì nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du hoàn toàn khác, đó không phải một tên tướng cướp như nguyên mẫu mà là một người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất có bản lĩnh và ý chí phi thường. Cảm hứng ca ngợi cùng bút pháp ước lệ tượng trưng khiến cho nhân vật Từ Hải hiện lên lớn lao, kì vĩ, mang đầy đủ phẩm chất của người những người anh hùng xưa. 

Khi Thúy Kiều đang tuyệt vọng, chìm đắm trong cuộc sống đau khổ, ê chề nơi lầu xanh thì Từ Hải đã xuất hiện và cứu nàng ra khỏi chốn tửu sắc đầy thị phi ấy. Nhờ có Từ Hải mà Thúy Kiều được báo ân báo oán, được hưởng hạnh phúc vợ chồng như những người phụ nữ bình thường khác. Tuy cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nhưng vẫn không thể che khuất được khát vọng lập thân to lớn của Từ Hải.

Thúy Kiều và Từ Hải đã có nửa năm bên nhau, cuộc sống êm ấm, hạnh phúc nhưng với hoài bão lớn của người anh hùng, Từ Hải đã “động lòng bốn phương”. Đối với Thúy Kiều mà nói, Từ Hải không chỉ là người chồng mà nàng thương yêu, trân trọng mà đó còn là người mà nàng mang ơn, chính Từ Hải đã cứu nàng ra khỏi chốn lầu xanh. Trước quyết định ra đi của Từ Hải, nàng biết không thể ngăn cản nhưng cũng không đành lòng để chàng ra đi đơn độc, Thúy Kiều đã bày tỏ mong muốn được đi theo để chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chàng:

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng 

Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”

Thúy Kiều đề cao quan niệm “xuất giá tòng phu” của đạo đức Nho giáo xưa, nàng muốn được đi theo để tiện bề chăm sóc cũng như giúp đỡ cho Từ Hải. Trước yêu cầu đầy chân thành của Thúy Kiều, Từ Hải đã rất cảm động nhưng cuối cùng chàng không đồng ý vì sợ Thúy Kiều thân con gái đi theo sẽ phải chịu khổ. Như để an ủi nàng, Từ Hải đã hứa hẹn bao giờ lập lên sự nghiệp lớn sẽ rước nàng “nghi gia”:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri 

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình? 

Bao giờ mười vạn tinh binh 

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường 

Làm cho rõ mặt phi thường 

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Theo Từ Hải, Thúy Kiều chưa thoát khói thói nữ nhi thường tình đồng thời đó cũng là lời động viên để nàng không phải lo lắng khi mình lên đường thực hiện nghiệp lớn. Là một người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, Từ Hải quyết tâm ra đi gây dựng nghiệp lớn để có thể nắm trong tay “mười vạn tinh binh”. Và khi sự nghiệp đã thành, chàng sẽ trở về để đón Kiều nghi gia trong “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”. 

Qua những lời đối thoại của Từ Hải với Thúy Kiều trước lúc ra đi đã thể hiện được chí khí lớn lao của người anh hùng mang trong mình khát vọng lớn. Tuy nói Thúy Kiều đi theo sẽ thêm vướng bận nhưng thật ra nguyên nhân chính Từ Hải không muốn Thúy Kiều đi theo là vì không muốn nàng phải chịu khổ, sợ nàng không thể thích ứng được với cuộc sống bốn bể là nhà:

“Bằng ngay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu”

Qua phần phân tích 12 câu thơ cuối đoạn trích Chí khí anh hùng, Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất Từ Hải, đó không chỉ là một con người giàu tình cảm mà còn là một người anh hùng có khát vọng lớn cùng ý chí, quyết tâm đầy mạnh mẽ, quyết liệt.

Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng  hay nhất

Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng – Mẫu số 2

Sập bẫy của Tú Bà, Thúy Kiều phải vào lầu xanh với tâm trạng:

“Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó mặn mà với ai?”

Tại đây, Kiều gặp Thúc Sinh, người được xem là “tri âm” đối với Kiều. Nhưng vì nhu nhược, Thúc Sinh không giữ được Kiều khiến nàng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, và phải làm gái lầu xanh lần nữa.

Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc hoàn toàn thì Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người sống hạnh phúc “Trai anh hùng gái thuyền quyên - Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn trích (từ câu 2213 đến câu 22300 bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thấy chí khí của Từ Hải.

Trong “Truyện Kiều”, nếu nhân vật Thúy Kiều được Nguyễn Du xây dựng như một biểu tượng cho cái đẹp tinh túy, lý tưởng của hiện thực cuộc sống thì nhân vật Từ Hải, qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”,lại được Nguyễn Du xây dựng như một hình tượng đầy tính chất lãng mạn, chất anh hùng ca.

Những hình ảnh ước lệ, thậm xưng, đặc tả, kết hợp với các từ Hán Việt trang trọng, cùng với cách ngắt nhịp cân xứng, mạnh mẽ trong các dòng thơ chứa tầm vóc, tài năng, chí hướng nêu trên như đã khẳng định và in xâu tính cách một nhân vật phi thường với tâm hồn chứa chan lãng mạn ước mơ, tung hoành ngang dọc, muốn đổi thay thời thế nhân sinh... Trong ý nghĩa đó, phải chăng hình ảnh Từ Hải đã thành ước mơ khát vọng trong tâm hồn Nguyễn Du: Ông muốn cứu vớt đời Kiều, một tâm hồn, một vẻ đẹp, một tài năng tiêu biểu cho một tinh hoa của hiện thực cuộc đời?

Sau lời của nhà thơ viết về tâm trạng và quyết định của “trượng phu” là lời đối thoại của đôi vợ chồng. Kiều thì muốn hành động theo luân lý đạo Nho truyền thống nên đã tâm sự với Từ Hải:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

Kiều một lòng xin được theo Từ trên từng bước chàng đi cho tròn luân lí mà Nho giáo đã định ra: Là phận nữ nhi thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Ca dao ta cũng có câu

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Đây là về lí luận. Thật ra có lẽ Kiều xin theo Từ Hải là vì tình, là vì sau bao năm bị vùi dập bởi sóng gió lầu xanh Kiều đã tìm được người bạn tri âm.

Nhưng với Từ Hải thì khác. Chàng đã đáp lại:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Từ Hải đã có ý trách Kiều, nhưng đó là lời trách đầy yêu thương: : Đã là người hiểu biết nhau sâu sắc đến vậy sao cứ giữ mãi nếp suy nghĩ nông cạn của người phụ nữ bình thường!

Sau lời trách nhẹ nhàng đầy tình thương yêu ấy, Từ Hải mới giải thích rõ ràng. Từ phải chiêu mộ binh sĩ giỏi, làm những việc xuất chúng. Người đọc có thể suy ra là Từ chiêu mộ tướng giỏi binh hùng để lập nước, trị quốc. Với ông việc như thế thì:

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đấy là một hiện thực trong đời của con nhà lính. Từ đã trình bày cho Kiều hiểu rõ ngọn nguồn. Đó là về lí, mà cái lí ấy Từ nêu ra cũng vì tình. Từ đã khuyên Kiều:

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Cùng với lời hứa:

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Và bây giờ với đoạn trích Chí khí anh hùng, một lần nữa càng chứng tỏ tài miêu tả, khắc họa nhân vật của nhà thơ Nguyễn Du. Cũng với các biện pháp ước lệ, nghệ thuật tượng trưng kết hợp với đối thoại quen thuộc của thể văn cổ nhưng khi Nguyễn Du vận dụng vào việc khắc họa nhân vật Từ Hải. Trong đoạn trích trên thì nghệ thuật ấy lại được phối hợp sáng tạo tuyệt hảo để người đọc đâu thể dễ dàng quên ngay được một nhân vật cái thế anh hùng, một tâm hồn mang bao hoài vọng của nhà thơ.


Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng – Mẫu số 3

Nguyễn Du không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới mà ông còn là đại thi hào dân tộc, một thiên tài văn học của nước nhà. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình phong kiến quý tộc nhưng sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du chứng kiến được rất nhiều cảnh đời bất công của xã hội bấy giờ, và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Bởi lẽ đó, ông đã viết nên thi phẩm tuyệt bút “Truyện Kiều”, tác phẩm như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Chí khí anh hùng” xây dựng mẫu anh hùng lí tưởng trong xã hội phong kiến theo quan niệm của Nguyễn Du: sống có ước mơ, tự do lập nên sự nghiệp lớn. Chính mười bốn câu thơ cuối đã làm bật lên hình tượng anh hùng của Từ Hải khi phải đối diện với người phụ nữ mình yêu thương trước lúc ra đi lập công danh: 

“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường, 

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì?

Khi Thúy Kiều bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, cuộc đời của nàng tưởng chừng như bế tắc hoàn toàn thì Từ Hải xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người gắn bó với nhau trong hạnh phúc và tình tri kỉ: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên - Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc. Chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm “hương lửa đương nồng” đã từ biệt Kiều ra đi. Trước sự quyết đoán của Từ Hải, Kiều đã một lòng xin được đi cùng phò tá chàng: 

“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.”

Theo lẽ thường tình, cuộc chia tay nào cũng đầy nước mắt, cũng đọng những dùng dằng chẳng nỡ của kẻ ở với người đi. Với Từ và Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Kiều không muốn chịu cảnh giường đơn gối chiếc trong căn nhà lạnh lẽo, nàng một mực muốn được sẻ chia, được gánh vác sự nghiệp với Từ Hải. Nàng đã phải dùng đến đạo lý “Phận gái chữ tòng” để thuyết phục chàng. Kiều ý thức được bổn phận của người vợ là phải theo chồng, kề vai sát cánh qua những hiểm nguy cùng chồng, Kiều nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với Từ Hải. “Chữ tòng” ở đây không chỉ có nghĩa như trong sách vở thánh hiền của Nho giáo mà còn ngụ ý tiếp sức, chia sẻ nhiệm vụ với chồng. Nhưng có lẽ ẩn sâu trong đó còn một nguyên do. Bão tố cuộc đời vừa đi qua song dư âm vẫn còn lại, Kiều sợ cô đơn, hiu quạnh, sợ những hiểm nguy cạm bẫy nơi đất khách qua người. Đó cũng là tâm lý dễ cảm thông của người phụ nữ vừa phải nếm trải những ô nhục, chua cay của cuộc đời. Qua câu nói của Kiều, ta thấy Nguyễn Du đã thể hiện tâm trạng và tâm lí của Kiều rất hiện thực. Nàng vẫn giữ được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: thủy chung, một lòng một dạ theo chồng,…Nàng không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ mà còn thể hiện tình yêu, sự thấu hiểu với chồng, sự khâm phục, tôn trọng Từ Hải.

Trước lời xin đi tha thiết của Thúy Kiều, những tưởng Từ Hải sẽ lung lay, bịn rịn, nhưng chàng vẫn kiên quyết từ chối khéo nguyện vọng chính đáng của Kiều:

“Từ rằng tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Trong lời đáp của mình, Từ Hải đã khéo léo từ chối Kiều bằng một câu hỏi tu từ: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”. Mới nghe qua thì cứ nghĩ là một lời trách cứ nhưng đằng sau đó lại là lời động viên người tri kỉ của mình biết vượt lên những tình cảm thông thường để sánh cùng trí lớn của người anh hùng. Từ Hải đã khẳng định rõ ràng tình cảm to lớn với Kiều, coi Kiều là tri kỉ hiểu rõ chí làm trai đang sôi sục trong lòng mình hơn ai hết. Vậy nên, Kiều phải thoát khỏi phận “nữ nhi thường tình”, thể hiện sự cứng cỏi của phu nhân bậc anh hùng. Từ cũng có ý khuyên Kiều đừng xem nặng quá vấn đề “lấy chồng là phải theo chồng”, hãy xem nhẹ chuyện tình cảm vì sự nghiệp lớn lao của chồng.

Để trấn an Kiều, Từ Hải hứa với Kiều về một tương lai huy hoàng, một ngày xum vầy, hạnh phúc trong công danh sự nghiệp rõ ràng:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Dù xuất phát chỉ với “thanh gươm yên ngựa”, nhưng Từ Hải đã tin rằng mình sẽ có trong tay mười vạn tinh binh, sẽ trở về trong hào quang chiến thắng. Giờ đây, sự nghiệp đối với chàng là trên hết. Đối với Từ Hải, nó chẳng những là ý nghĩa của cuộc sống mà còn là điều kiện để thực hiện những ước ao mà người tri kỉ đã gửi gắm, trông cậy ở chàng. Hình ảnh “mười vạn tinh binh” với “tiếng chiêng” “bóng tinh”, phép đối trong câu giữa “ tiếng chiêng dậy đất” với “bóng tinh rợp đường” đã thể hiện khát vọng lớn lao mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng.  Khát vọng “làm cho rõ mặt phi thường” chính là khát vọng xây dựng một sự nghiệp, công danh lừng lẫy, xuất chúng, hơn người. Cách sử dụng từ ngữ “mặt phi thường” thể hiện thái độ trân trọng, khâm phục của ND.  Bốn câu thơ là lời chia tay của người anh hùng có chí khí với niềm tin mãnh liệt về một lí tưởng cao cả. Điều quan trọng hơn là lời hứa của người chồng sẽ long trọng đón vợ về nhà trong vinh dự khi đã hoàn thành sự nghiệp lớn.

Hai câu thơ tiếp theo, Từ Hải nói rõ hoàn cảnh thực tế của mình:

“Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu”

Từ Hải còn thể hiện chí khí, quyết tâm sắt đá của mình ở việc cho rằng Thúy Kiều đi theo sẽ “càng thêm bận” nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho Kiều khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó “bốn bể không nhà”. Câu hỏi tu từ “Theo càng thêm bận biết là đi đâu?” với hàm ý: đối với TH sự nghiệp anh hùng là ý nghĩa của sự sống. Chàng muốn toàn tâm toàn ý ra đi thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình.

Kết thúc lời nói của TH là lời hẹn ước chắc chắn trước lúc ra đi:

“Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Cụm từ “ một năm sau” đã xác định rõ mục tiêu và thời gian phấn đấu của người anh hùng. Người ta học nghề mất vài ba năm, phải mất hàng chục năm nghề nghiệp mới tinh thông vững vàng. Sự nghiệp lớn muốn hoàn thành có khi phải hiến dâng trọn đời người. Vậy mà, TH quyết việc lớn ấy sẽ được thực hiện trong một năm. Lời lẽ của TH thật đúng khẩu khí của bậc trượng phu: dứt khoát, mạnh mẽ và đầy niềm tin vào tài trí của mình. . Đây còn là lời an ủi rất tâm lí, chân tình của người chồng, người anh hùng có chí khí với vợ, với tri kỉ của mình.  

Cách chia tay của Từ Hải rất khác biệt ở chỗ những lời chia tay được thay bằng những lời hứa vào một chiến thắng không xa, sự quyến luyến được thay bằng một  quyết tâm vào tương lai. Người đọc cũng nhận biết lí tưởng anh hùng của nhà thơ ND được gửi gắm qua TH: phàm là “trượng phu” ra đi không chút vấn vương, bi lụy, không dùng dằng, quyến luyến như trong các cuộc chia tay bình thường khác, Từ Hải có cách chia tay mang đậm dấu ấn anh hùng của riêng mình. 

Khép lại đoạn trích, ta có thể thấy tài năng của ND trong nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật. Từ Hải được ND xây dựng theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Nhà thơ miêu tả nhân vật bằng từ ngữ trang trọng như: “mặt phi thường”, hình ảnh chim bằng.., ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ kể của tác giả, câu hỏi, câu cảm cùng với bút pháp miêu tả ước lệ… Tất cả nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp chí khí mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải, đồng thời thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của ND đối với nhân vật. 

“Chí khí anh hùng” là đoạn trích thể hiện ước mơ đầy lãng mạn của Nguyễn Du về 1 hình mẫu người anh hùng lí tưởng với  những phẩm chất phi thường. Đặc biệt ND thành công rất lớn trong việc miêu tả nhân vật theo khuynh hướng lí tưởng hóa. TH quả thật là người anh hùng tuyệt đẹp trong “Truyện Kiều” của đại thi hào ND, chàng xứng đáng được bạn đọc trân trọng, ngưỡng mộ

Cùng Top lời giải tìm hiểu chi tiết về bài thơ Chí khí anh hùng nhé

I. Tác giả

- Nguyễn Du: Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên ông là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam

Cuộc đời:

- Ông xuất thân trong một gia đình có hai truyền thống lớn đó là truyền thống làm quan và truyền thống văn học. Cha là nguyễn Nghiễm học rộng tài cao làm quan đến chức tể tướng, mẹ là con quan lớn. Anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng ra làm quan g đây chính là điều kiện tiền đề để Nguyễn Du phát triển tài năng văn học của mình.

- Mười năm lang bạt đất Bắc, Nguyễn Du được nếm trải cuộc sống khó khăn, đói khổ và chứng kiến số phận đau đớn của nhân dân Trải nghiệm cuộc sống phong trần, vốn sông của ông phong phú, suy ngẫm về xã hội, thân phận con người.

- Được cử đi sứ Trung Quốc 2 lần, lần một năm 1813, được tiếp xúc với nền văn hóa Hán mà ông quen thuộc từ nhỏ, chuyến đi để lại dấu ấn sâu đậm trong thơ văn của ông; lần hai năm 1820, chưa kịp đi thì ông bệnh và mất.

Sự nghiệp văn học:

- Sáng tác chữ Hán: 3 tập thơ với 249 bài là Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (40 bài) và Bắc hành tạp lục (131 bài)

- Sáng tác chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) và Văn chiêu hồn.

- Đặc điểm sáng tác: các tác phẩm đều thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của tác giả.

+ Thể hiện tư tưởng nhân đạo: đề cao giá trị nhân văn con người. Các tác phẩm đó đều thể hiện sự cảm thông sấu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, ... đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả.

+ Lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người.

II. Tìm hiểu chung về đoạn trích

Nội dung đoạn trích Chí khí anh hùng 

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

a. Vị trí đoạn trích

- Đoạn trích “Chí khí anh hùng” thuộc phần Gia biến và lưu lạc (từ câu 2213 đến câu 2230).

- Nội dung chính: Cuộc đời Kiều tưởng chừng như sẽ rơi vào bế tắc khi lần thứ hai rơi vào lầu xanh. Thì bỗng nhiên Từ Hải xuất hiện và cứu nàng thoát khỏi cảnh ô nhục. Từ Hải đã cho Kiều một danh phận cũng như giúp nàng báo ân, báo oán. Nửa năm trôi qua, cuộc sống của hai người đương hạnh phúc. Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm mà muốn có sự nghiệp lớn nên đã từ biệt Kiều ra đi để gây dựng sự nghiệp.

b. Bố cục

- 4 câu đầu: Giới thiệu khái quát về Từ Hải.

- 12 câu tiếp: Cuộc đối thoại giữa Kiều và Từ Hải.

- 2 câu cuối: Hình ảnh Từ Hải ra đi.

c. Giá trị nội dung

Qua hình tượng nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du thể hiện lí tưởng về người anh hùng lí tưởng và gửi gắm ước mơ công lí

d. Giá trị nghệ thuật

- Bút pháp lí tưởng hóa nhân vật

- Hình ảnh kì vĩ, mang tính ước lệ tượng trưng

III. Tìm hiểu chi tiết

a. Giới thiệu khái quát về Từ Hải

- Hoàn cảnh ra đi:

“Nửa năm hương lửa đương nồng”

=> Cuộc sống vợ chồng đang nồng nàn, đằm thắm.

- "Trượng phu": chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng.

- "Thoắt": dứt khoát, mau lẹ, nhanh chóng.

- "Động lòng bốn phương": trong lòng náo nức chí tung hoành ở bốn phương.

- "Lên đường thẳng rong": đi liền một mạch.

=> Một tư thế đẹp, hiên ngang không vướng bận, sẵn sàng lên đường của người quân tử.

=> Cảm hứng vũ trụ, ngợi ca… Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải - con người mang hoài bão lớn lao.

b. Cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải

* Lời của Thúy Kiều: Thể hiện rõ mong muốn được đi theo chồng.

- "Phận gái chữ tòng": Bổn phận của người vợ phải theo chồng=> Thúy Kiều viện vào lễ giáo phong kiến để thuyết phục Từ Hải “phu xướng phụ tùy”, “xuất giá tòng phu”.

- Kiều muốn ra đi để cùng chia sẻ, cùng tiếp sức và gánh vác công việc với chồng.

=> Thúy Kiều không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ, thể hiện tình yêu với chồng mà còn hiểu, khâm phục và kính trọng Từ Hải.

* Lời của Từ Hải:

- Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

=> Trách móc nhẹ nhàng Thúy Kiều vì chưa hiểu mình, chưa thoát khỏi sự ủy mị của một người phụ nữ tầm thường.

=> Khéo léo, vừa như lời động viên, an ủi Thúy Kiều; vừa khiến Thúy Kiều tự hào khi được đánh giá cao hơn những người phụ nữ khác.

- Nêu lý do khiến Thúy Kiều không thể theo:

+ Khi nào Từ Hải phải toại nguyện được ước mơ: có một cơ đồ vững chắc để tỏ "rõ mặt phi thường".

+ Sẽ “rước nàng nghi gia”=> đường hoàng nhất, long trọng nhất => chí khí anh hùng đồng thời vừa thể hiện sự chu đáo, tận tâm, trân trọng Thúy Kiều của Từ Hải.

+ Không muốn Thúy Kiều chịu khổ cùng mình trong cảnh “màn trời chiếu đất”, “bốn bể không nhà”,..

=> Tạo cho Kiều nhiều niềm tin, hi vọng để Kiều tin tưởng, an tâm chờ đợi.

Nhận xét: Là con người có sự thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.

c. Hình ảnh Từ Hải ra đi

- “Quyết”, “dứt áo ra đi”

=> Thái độ, cử chỉ, hành động dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng.

-  “Đã đến lúc chim bằng bay lên cùng gió mây”: đã tới lúc anh hùng Từ Hải tỏa sáng khí chất giữa muôn trùng sông núi.

=> Sử dụng điển tích, điển cố => khẳng định quyết tâm và tự tin vào thành công. Thể hiện lý tưởng của một người anh hùng khao khát lập nên một sự nghiệp có ý nghĩa.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Phân tích 12 câu cuối Chí khí anh hùng. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 28/03/2022 - Cập nhật : 26/11/2022