logo

Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ

Thạch Lam là một cây bút chuyên viết truyện ngắn xuất sắc trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Điểm chung trong những sáng tác của ông là những tác phẩm như không có cốt truyện. Hai đứa trẻ cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật ấy của ông. Cùng Toploigiai tham khảo mẫu Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài trẻ em là “Gió lạnh đầu mùa” để thấy được những nét đặc sắc trong cách khai thác của tác giả.


Những tác phẩm có thể liên hệ với bài Hai đứa trẻ

1. Có thể liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ với tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam. Hai tác phẩm đều viết về đề tài trẻ em, về việc khám phá những tâm lý, trạng thái cảm xúc của những đứa trẻ nông thôn nghèo khó. Qua đó thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà văn: yêu thương, trân trọng những kiếp người nghèo khổ.

2. Liên hệ với tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Đều là hai tác phẩm viết trong giai đoạn trước cách mạng tháng 8. Nhưng nếu Chí Phèo phơi bày bộ mặt đen tối của xã hội, phản ánh cuộc đời đầy bi kịch của người nông dân bị bần cùng và tha hoá thì Hai đứa trẻ lại khác. Cốt truyện nhẹ nhàng hơn, tính chất tố cáo hiện thực ít hơn, trang văn cũng giàu chất thơ hơn.

3.Liên hệ với bài Dưới bóng hoàng lan để thấy được ngòi bút khám phá và miêu tả tinh tế nhân vật, những trang văn nhẹ nhàng, không có cốt truyện của Thạch Lam.


Dàn ý liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác phẩm “Hai đứa trẻ” 

- Liên hệ mở rộng với “Gió lạnh đầu mùa”

2. Thân bài

- Đôi nét về giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm “Hai đứa trẻ”

- Liên hệ mở rộng bài “Hai đứa trẻ”

+ Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm: Phản ánh chân thực cuộc sống lao động của người dân trước cách mạng tháng 8. Sự phân chia giai cấp giàu nghèo trong xã hội… Sự trân trọng những ước mơ và khát vọng của con người, sự rung động tinh tế trước những nét tính cách tâm lý của trẻ thơ…

+ Sự khác biệt của hai tác phẩm: Hai đứa trẻ phản ánh cảnh chờ tàu mòn mỏi của hai đứa trẻ, qua đó thể hiện cuộc sống tù túng, mệt mỏi, le lói của người dân nơi phố huyện nghèo khổ. Gió lạnh đầu mùa gợi đến một câu chuyện trong một gia đình, xóm phố với những mối quan hệ đầy tính nhân văn.

- Giải thích điểm giống và khác nhau:

+ Giống nhau: Tác phẩm được viết bởi nhà văn có cảm hứng hiện thực và lãng mạn, viết trong thời kỳ lịch sử giống nhau nên sẽ có những cách phản ánh hiện thực tương tự nhau.

+ Điểm khác nhau là do có sự tìm tòi, đổi mới trong văn phong ở hai thời điểm sáng tác.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị truyện ngắn “Hai đứa trẻ”


Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ với Gió lạnh đầu mùa

      Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” nằm trong tập truyện “Nắng trong vườn” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Thạch Lam. Tác phẩm lấy đề tài về trẻ em qua đó phản ánh những nét đặc sắc trong cách khai thác, nắm bắt tâm lý trẻ thơ của Thạch Lam. Cũng viết về đề tài này, Thạch Lam cũng có một số tác phẩm khác cùng thời. Liên hệ mở rộng bài “Hai đứa trẻ” với tác phẩm cùng đề tài là “Gió lạnh đầu mùa” để thấy những đặc sắc của tác giả trong cách khai thác những điểm chung của đề tài.

Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ

      “Hai đứa trẻ” được sáng tác trước cách mạng khi dòng văn hiện thực đã đạt được đỉnh cao với rất nhiều tác giả và tác phẩm để đời. Tìm cho mình một lối đi riêng, Thạch Lam vẫn có cách khai thác và cảm nhận mang màu sắc của riêng ông. Người ta nhớ nhiều đến tác phẩm của ông là những trang văn hiện thực nhưng lại giàu chất thơ, những câu chuyện như không có chuyện. “Hai đứa trẻ” hay “Gió lạnh đầu mùa” rồi đến “Dưới bóng hoàng lan” đều là những tác phẩm như thế. Lấy bối cảnh ở một phố huyện nghèo nàn, xơ xác với những kiếp người tàn tạ, bức tranh hiện thực của làng quê Việt Nam hiện lên chân thực và sống động như những thước phim quay chậm. Hình ảnh thiên nhiên với những nét đặc tả như “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve” gây cho người đọc những ấn tượng sâu đậm về khung cảnh tù túng, tàn tạ của cuộc sống nơi những con người dưới đáy xã hội. Bên cạnh chợ tàn, ngày tàn là những con người tàn tạ. Không gian tẻ nhạt lặp đi lặp lại trong cái vô vị như một cái vòng luẩn quẩn của những người nơi phố chợ đìu hiu “Ngày chị đi mò cua bắt tép… để bán cho ai…”Chị em Liên ngày nào cũng ngồi trên chõng tre để quan sát chuyến tàu đêm - hoạt động nhộn nhịp cuối cùng trong ngày của chợ huyện. Trông mong chuyến tàu đêm hai đứa trẻ khát khao điều gì? đó là một chút ánh sáng nhộn nhịp sẽ xua tan cái cuộc sống tẻ nhạt, buồn bã chốn này. Cả những người dân phố huyện cũng thế họ chờ đợi ánh sáng của chuyến tàu đêm đến. Và rồi khi luồng sáng quét qua nhanh để lại những đốm than đỏ bay trong đêm tối. Thứ ánh sáng thắp lên niềm tin còn rất mơ hồ nhưng cũng là điểm tựa trong hành trình hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn của những con người nơi đây.

      Hai đứa trẻ và Gió lạnh đầu mùa cùng khai thác về đề tài trẻ em nông thôn trước cách mạng tháng 8, qua đó phản ánh cảm hứng nhân đạo của tác giả: đó là sự yêu thương, trân trọng với những kiếp người nghèo khổ trong xã hội, đặc biệt là tình yêu thương dành cho những đứa trẻ. Cùng mạch cảm hứng hiện thực là phản ánh chân thực cuộc sống lao động của người dân trước cách mạng tháng 8. Sự phân chia giai cấp giàu nghèo trong xã hội, sự trân trọng những ước mơ và khát vọng của con người, sự rung động tinh tế trước những nét tính cách tâm lý của trẻ thơ…Tuy nhiên khi liên hệ mở rộng bài “Hai đứa trẻ” với “Gió lạnh đầu mùa” sẽ thấy điểm khác biệt trong cách khai thác đề tài của hai tác giả. “Hai đứa trẻ” phản ánh cảnh chờ tàu mòn mỏi của hai đứa trẻ, qua đó thể hiện cuộc sống tù túng, mệt mỏi, le lói của người dân nơi phố huyện nghèo khổ. “Gió lạnh đầu mùa”lại gợi đến một câu chuyện trong một gia đình, xóm phố với những mối quan hệ đầy tính nhân văn. Qua đó thể hiện vẻ đẹp tình người bàng bạc xua tan cái giá lạnh của mùa đông đầy khắc nghiệt.

Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ

      Vậy điều gì làm nên sự giống và khác nhau trong cách triển khai của hai tác phẩm. Giống nhau là do hoàn cảnh lịch sử sáng tác chi phối, do cùng một tác giả viết; khác nhau nằm ở sự tìm tòi, đổi mới trong văn phong ở hai thời điểm sáng tác. “Hai đứa trẻ” và “Gió lạnh đầu mùa” sáng tác khi thời kỳ văn học hiện thực phê phán vẫn đang nở rộ trên văn đàn nên khó tránh khỏi việc khai thác đậm nét những cảnh đời tàn, ngày tàn. Tuy nhiên trên nền hiện thực ấy nhà văn vẫn có những sự đổi mới tìm tòi, khai thác để mang đến những bối cảnh khác nhau. Mỗi câu chuyện mang đến cho người đọc những bài học thấm thía về cuộc sống, cuộc đời. Cũng viết về đề tài trẻ em nhưng triển khai không bị lặp lại mà luôn có sự đổi mới để phù hợp với nhu cầu của người đọc.

      Như vậy khi mở rộng liên hệ bài “Hai đứa trẻ” với “Gió lạnh đầu mùa” chúng ta thấy những cố gắng tìm tòi, khai thác và khám phá chiều sâu tâm lý trẻ em của tác giả. Dù khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều thể hiện ngòi bút đầy thực lực của nhà văn Thạch Lam. 

--------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ mở rộng bài Hai đứa trẻ. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 20/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023