logo

Đọc hiểu Chợ tết (5 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Tụng giá hoàn kinh sư hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.


Đọc hiểu Chợ tết - Đề số 1

Đọc đoạn trích sau

(1) Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

(…)

(2) Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.

(….)

(3) Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,

Trên con đường đi các làng hẻo lánh,

Những người quê lũ lượt trở ra về.

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

(Trích Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ, thivien.net)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên. 

Câu 2. Trong đoạn thơ thứ (2) tác giả đã đề cập đến những hoạt động cụ thể nào của con người trong phiên chợ Tết? 

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ “Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh”. 

Câu 4. Theo anh/chị trong xã hội hiện đại ngày nay có nên duy trì những phiên chợ Tết
không? Tại sao? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Thể thơ của đoạn trích trên là thơ 8 chữ.

Câu 2. 

Trong đoạn thơ thứ (2) tác giả đã đề cập đến những hoạt động cụ thể của con người trong phiên chợ Tết như: 

+ Người mua bán ra vào chợ

+ Anh hàng tranh tìm chỗ đông người để bán

+ Thầy khóa mài mực viết thơ xuân

+ Cụ đồ nho nhẩm đọc câu đối

Câu 3. 

Biện pháp tu từ trong câu thơ “Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh” là nhân hóa.

→ Tác dụng: Làm cho cảnh vật trở nên sinh động và thú vị hơn.

Câu 4. 

Theo em trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn nên duy trì những phiên chợ Tết vì đó là nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của dân tộc ta. 


Đọc hiểu Chợ tết - Đề số 2

CHỢ TẾT

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viển trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau

 

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa 

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ…

Đoán Văn Cừ

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

Câu 2. Mỗi người đến chợ Tết với những dáng vẻ riêng như thế nào? Có điều gì chung giữa họ?

Câu 3. Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Em hãy tìm những từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc ấy.

Câu 4. Đại ý đoạn thơ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh bình minh tráng lệ: “Máy trắng đỏ dần…”, “sương hồng lam”, con đường “viền trắng mép đồi xanh”. Đỉnh núi, nóc nhà gianh, con đường, mép đồi… tất cả đều mang sắc màu tinh khôi rực rỡ:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viển trắng mép đồi xanh”

Mặt Trời nhô dần lên, cảnh vật càng thêm đẹp và trở nên sống động. Từ giọt sương trắng đến tia nắng tía, từ núi xanh đến đồi son, cảnh vật nào cũng khoe sắc làm duyên, như chia vui cùng đoàn người các ấp “tưng bừng” đi chợ Tết:

“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa 

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”

Câu 2. Mỗi người đến chợ Tết với dáng vẻ riêng được Đoàn Văn Cừ miêu tả bằng những nét vẽ rất tài tình. “Chạy lon xon” là những thằng cu áo đỏ hồn nhiên. “Chống gậy bước lom khom” là hình ảnh các cụ già. Cô thôn nữ yếm thắm xinh đẹp, duyên dáng thì “che môi cười lặng lẽ”. “Nép đầu bên yếm mẹ” là thằng bé. “Gánh lợn chạy đi đầu” vội vã là hai người thôn. “Đầy cổng chợ” là những người mua bán vào ra, đi lại.

Nét chung của họ là vô cùng vui vẻ trong không khí náo nức tưng bừng:

“Trên con đường viển trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc”

Câu 3. Bài thơ là một bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết. Đoàn Văn Cừ đã sử dụng các từ ngữ một cách chính xác, tinh tế và biểu cảm để tạo nên bức tranh giàu màu sắc ấy: (dải mây) trắng đỏ dần.. (sương) hồng lam, (con đường viền) trắng, (mép đồi) xanh, (cỏ) biếc, đỏ (yếm) thắm, (con bò) vàng, (sương) trắng, (tia nắng) tía, (áo the) xanh, (đồi thoa) son.

Câu 4. Đại ý đoạn thơ:

Một buổi sáng đẹp trời giữa một khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, người các ấp kéo nhau đi chợ Tết đông vui, tưng bừng, náo nhiệt.


Đọc hiểu Chợ tết - Đề số 3

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? 

Câu 2. Hãy chỉ ra ít nhất 3 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ? Nêu tác dụng của chúng?

Câu 3. Tìm những từ ngữ diễn tả tình cảm của con người trong đoạn thơ?

Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Phương thức miêu tả, tự sự

Câu 2. Ba biện pháp tu từ:

– So sánh (Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa).

– Nhân hóa (Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh, tia nắng tía nháy,  núi uốn mình, đồi thoa son).

– Ẩn dụ (Chiếc áo the xanh), gợi vẻ đẹp của núi

– Liệt kê (Miêu tả nhiều hình ảnh của thiên nhiên và con người)

– Biện pháp tu từ ngữ âm (từ láy lon xon, lom khom) 

– Tác dụng: gợi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp; nhân dân tưng bừng, vui vẻ đi chợ Tết ở làng quê Việt Nam

Câu 3. Tưng bừng, vui vẻ, cười lặng lẽ.

Câu 4. Nội dung chính: Đoạn thơ miêu tả và kể về một phiên chợ Tết ở nông thôn Việt Nam. Đi chợ Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.


Đọc hiểu Chợ tết - Đề số 4

Đọc khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

"Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ".

(Trích Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Em hãy xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của khổ thơ trên .

Câu 2. Tìm những hình ảnh gợi nhắc đến bức tranh thiên nhiên và hoạt động của con người trong khổ thơ trên

Câu 3. Xác định biện pháp tu từ trong khổ thơ trên và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy .

Câu 4. Tìm từ trái nghĩa trong câu thơ: "Người mua bán ra vào đầy cổng chợ ". Nêu tác dụng của cách dùng từ ấy .

Câu 5. Nêu nội dung khái quát của khổ thơ trên.

Bộ đề Chợ tết đọc hiểu

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Thể thơ: 8 chữ

Phương thức biểu đạt chính của khổ thơ trên là biểu cảm

Câu 2.

- Hình ảnh gợi nhắc đến bức tranh thiên nhiên: Tia nắng tía, ruộng lúa, núi, đồi, ánh bình minh

- Hình ảnh gợi nhắc đến hoạt động của con người: mua bán ra vào

Câu 3.

- Biện pháp tu từ trong khổ thơ trên: nhân hóa: nháy hoià, uốn mình, thoa son

- Tác dụng:

+ Diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh

+ Ngợi ca bức tranh quê hương yên bình, hạnh phúc. Bức tranh mang vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo, rực rỡ sắc màu, đầy sức sống trong buổi sáng mùa xuân.

+ Thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của tác giả.

Câu 4. Từ trái nghĩa trong câu thơ: mua - bán, ra - vào

- Tác dụng: Làm nổi bật sự đông vui, tấp nập, nhộn nhịp của phiên chợ Tết.

Câu 5.

- Nội dung chính của khổ thơ: Cảm xúc yêu mến hân hoan của tác giả khỉ ngắm nhìn sự đổi thay của bức tranh thiên nhiên nơi làng quê khi mùa xuân đến, với những hình ảnh tươi mới sinh động, rực rỡ sắc màu của cảnh vật và hoạt động tấp nập, nhộn nhịp của con người. Qua đó ngợi ca cuộc sống bình yên, no ấm, hạnh phúc.


Đọc hiểu Chợ tết - Đề số 5

Đọc kĩ phần trích từ “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi" đến “Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” và trả lời các câu hỏi:

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định từ tượng hình có trong hai khổ thơ trên? Tìm và gọi tên một trường từ vựng có trong khổ thơ thứ nhất trong phần trích trên?

Câu 2. Chỉ ra các yếu tố miêu tả có trong đoạn thơ? Nêu nội dung của đoạn thơ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Từ tượng hình: lon xon, lom khom, tưng bừng, lặng lẽ.

Trường từ vựng chỉ hình dáng của con người: lon xon, lom khom.

Trường từ vựng chỉ màu sắc: trắng, đỏ, hồng, lam, xanh, thắm. 

Trường từ vựng chỉ hoạt động: tưng bừng, kéo, chạy, chống gậy, bước.

Câu 2: Yếu tố miêu tả : 

+ Dải mây trắng đỏ.

+ Sương hồng lam.

+ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh.

+ Họ vui vẻ kéo hang trên cỏ biếc.

+ Những thằng cu áo đỏ.

+ Cụ già chống gậy bước lom khom.

+ Cô yếm thắm.

Nội dung : Miêu tả cảnh đẹp đẽ , nhộn nhịp của chợ tết trong ngày xuân.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Chợ tết. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 18/01/2022 - Cập nhật : 21/12/2022