logo

Ca dao tục ngữ nói về tôn trọng người khác

Ca dao tục ngữ nói về tôn trọng người khác

Ca dao tục ngữ nói về tôn trọng người khác hay nhất

Việc tôn trọng người khác đã được cha ông ta truyền dạy trong các câu ca dao, tục ngữ. Dưới đây là những câu ca dao tục ngữ về tôn trọng người khác:

1. Nói lời, thì giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

2. Kim vàng, ai nỡ uốn câu

Người không ai nỡ nói nhau nặng lời.

3. Nói chin thì nên làm mười

Nói mười làm chin, kẻ cười người chê.

4. Biết thì thưa thốt,

Không biết, dựa cột mà nghe.

5. Ai ơi chớ vội cười nhau

Cười người hôm trước hôm sau người cười.

6. Tự trọng người lại trọng thân

Khinh đi khinh lại, như lần trôn quang.

7. Ăn quả nhớ kẻ làm vườn

Uống nước phải nhớ nước nguồn chảy ra.

8. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.

9. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông

Đường đi cách bến cách sông

Muốn qua giòng nước, nhờ ông lái đò!

10. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Uống nước nhớ người đào giếng.

11. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Ăn cơm nhớ Thần Nông cày ruộng.

12. Anh với em như quế với gừng

Dẫu xa nhân nghĩa xin đừng tiếng chi!

13. Bình Sơn đất mặn đồng chua,

Nhưng mà nhân nghĩa không thua nơi nào.

14. Ruộng sâu cấy lúa đứng chùm

Biết ai nhân nghĩa chỉ giùm làm ơn.

15. Thương ai chữ nghĩa hơn vàng

Chữ nhân coi trọng, chữ sang bình thường.

16. Trên cao đã có thánh tri,

Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ.

17. Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

18. Chim khôn kêu tiếng rãnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

19. Dù ai nói ngả nói nghiêng,

Lòng ta vẫn vững như kiềng 3 chân.

20. Nói người phải nghĩ đến ta

Thử sờ lên gáy xem xa hay gần

Nói người phải nghĩ đến thân

Thử sờ lên gáy xem gần hay xa.

21. Khó mà biết ở, biết lời

Biết ăn, biết ở luôn người giàu sang.

22. Người còn thì của cũng còn

Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.

23. Lâu ngày nhớ lại kẻo quên

Tình thân nghĩa cũ có bền hay không?

24. Tìm vàng, tìm bạc dễ tìm

Tìm câu nhân nghĩa khó tìm bạn ơi!

25. Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng

Nhân nghĩa nào trượng bằng nhân nghĩa phu thê.

26. Vay chín thì trả cả mười

Phòng khi túng lỡ có người cho vay.

27. Ra về em nắm áo kéo xây

Bao nhiêu nhân nghĩa trả đây rồi về.

28.  Khó mà biết lẽ biết lời

Biết ăn biết ở hơn người giàu sang.

29. Bần cư náo thị vô nhân vấn

Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.

30. Làm người suy chín xét xa

Cho tường gốc, ngọn, cho ra vắn dài.

Tục ngữ hay về tôn trọng người khác

1. Trọng thầy mới được làm thầy.

2. Kính lão đắc thọ.

3. Kính trên, nhường dưới.

4. Có đi có lại mới toại lòng nhau.

5. Áo rách cốt cách người thương.

6. Ăn có mời, làm có khiến.

7. Kính già yêu trẻ.

8. Tiếng chào, cao hơn mâm cỗ.

9. Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho.

10. Vay một miếng trả một năm.

11. Nhập gia tùy tục.

12. Trọng nghĩa khinh tài.

13. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

14. Không thầy đố mày làm nên.

15. Tôn sư trọng đạo.

16. Đường mòn nhân nghĩa không mòn.

17. Vay nên nợ (ơn), trả nên nghĩa.

18. Nói phải củ cải cũng phải nghe.

19. Đất có thổ công, sông có hà bá

20. Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân.

21. Uống nước nhớ kẻ đào giếng.

22. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.

Ngoài ra, các em tìm hiểu thêm về các bài nghị luận sự tôn trọng nhé!


Nghị luận xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác - Bài mẫu 1

      Ông cha ta có câu:

“Kim vàng, ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

      Trong cuộc sống, con người luôn phải xây dựng rất nhiều mối quan hệ xã hội. Những mối quan hệ đó phải được xây dựng dựa trên lòng tôn trọng giữa người với người thì mới có thể tồn tại bền lâu.

      Thế nào là tôn trọng mọi người xung quanh? Tôn trọng mọi người xung quanh là sự hành xử đúng mực, biết coi trọng danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của mỗi người trong xã hội. Đồng thời phải biết sống hòa hợp và yêu thương mọi người xung quanh. Sống tôn trọng người khác là đối xử một cách công bằng với tất cả mọi người. Không phân biệt địa vị giàu sang, không phân biệt màu da sắc tộc. Cách sống như vậy sẽ thể hiện bạn là một con người văn minh. Sống tôn trọng người khác đem lại cho bạn những điều tốt đẹp. Khi biết tôn trọng mọi người thì bản thân cũng nhận lại được sự tôn trọng của họ. Chúng ta sống biết tôn trọng tức là chúng ta là người có văn hóa, có lòng tự trọng và giàu lòng trắc ẩn. Sống trong một tập thể, nếu biết tôn trọng những người xung quanh sẽ làm cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cuộc sống. Và những người biết tôn trọng người khác sẽ luôn khiến cho mọi người tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ bạn. Họ sẽ yêu quý và cảm thông cho bạn nhiều hơn, giống như bạn đã làm với họ.

      Biểu hiện của một con người biết tôn trọng đến từ thái độ và lời nói. Họ luôn cư xử với mọi người một cách bình đẳng dù người ấy là ai, đang làm nghề nghiệp gì, đến từ đất nước nào, mang màu da gì? Mọi người đối với họ đều bình đẳng và đáng được tôn trọng. Tôn trọng người khác với lời nói là luôn giữ đúng chuẩn mực đạo đức. Khi gặp người lớn tuổi thì chào hỏi lễ phép, khi nói chuyện ở nơi công cộng thì nhẹ nhàng lịch sử. Khi người khác mắc lỗi thì không nên cáu gắt quát mắng mà cần nhẹ nhàng giảng giải, chia sẻ. Cùng với đó, hành động của họ cũng sẽ tỏ ra mình là người biết tôn trọng người khác. Cư xử đúng phép tắc cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác. Lễ phép chào hỏi khi gặp người lớn tuổi. Giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn với lòng nhiệt tình và sự chân thành chứ không vụ lợi cho bản thân. Khi ở những nơi công cộng như công viên, cơ quan nhà nước hay công ty luôn biết tôn trọng những quy định chung… Trái ngược với những hành vi trên, những hành vi thiếu tôn trọng diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội. Trong gia đình, chỉ vì không có sự tôn trọng lẫn nhau mà những người vợ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Nỗi đau của họ phải trải qua không chỉ là về thể xác mà còn là những dư chấn về tinh thần. Trong công ty, chỉ vì lợi ích cá nhân, hoặc sự thù ghét mà đồng nghiệp có thể nói xấu, lợi dụng lẫn nhau. Không ít người giàu có tỏ ra coi thường những người nghèo khó, coi họ là một món đồ để tiêu khiển. Những hành động đó đều xuất phát từ sự thiếu tôn trọng giữa người với người.

      Đối với mỗi học sinh như chúng tôi, là thế hệ tương lai của đất nước luôn phải cố gắng sống biết tôn trọng mọi người. Sự tôn trọng với những người thân trong gia đình như ông bà cha mẹ là những lời lễ phép chào hỏi lịch sử trước và sau khi đi học về, cũng là việc tự ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân hay nhà cửa. Đặc biệt là việc cố gắng học tập chăm chỉ đạt được kết quả cao để không phụ sự vất vả của cha mẹ. Sự tôn trọng với thầy cô là những lời chào hỏi lễ phép, luôn học bài và làm bài trước khi đến lớp, trao đổi thẳng thắn ý kiến với thầy cô nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng. Sự tôn trọng với bạn bè đến từ cách xưng hô trò chuyện lịch sử, tôn trọng sở thích cá nhân hay cuộc sống riêng tư của bạn, biết cảm thông và chia sẻ với bạn bè khi bạn gặp khó khăn chứ không kì thị xa lánh. Nhưng hiện nay, một bộ phận không nhỏ học sinh quen với lối sống ích kỉ, thiếu tôn trọng người khác. Hiện tượng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đang diễn ra ngày càng phổ biến trong xã hội. Hay như nhiều bạn học sinh nữ đánh nhau chỉ vì sự lòng đố kỵ ghen ghét với nhau mà không tôn trọng cuộc sống cá nhân của bạn bè mình. Có nhiều bạn gia đình khá giả cho rằng mình là trung tâm vũ trụ, thường xuyên những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

      Một xã hội có văn minh phần lớn phụ thuộc vào đạo đức và nhân phẩm của mỗi người. Nếu con người chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn.


Nghị luận xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác - Bài mẫu 2

      Trong cuộc sống, mỗi con người có một tính cách, một cá tính khác nhau. Tất cả làm nên một thế giới nhiều màu sắc vô cùng phong phú, đa dạng. Từ việc mỗi người một phong cách dẫn đến quan điểm của chúng ta cũng có sự khác biệt, chính vì thế, chúng ta cần phải tôn trọng quan điểm của người khác.

      Quan điểm là những tư duy, suy nghĩ của con người dẫn đến hành động bộc lộ ra bên ngoài. Việc chúng ta tôn trọng quan điểm của người khác cũng là tôn trọng chính bản thân mình. Người biết tôn trọng quan điểm của người khác là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ. Bên cạnh việc lắng nghe, tôn trọng quan điểm của người khác, chúng ta cũng nên biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm của họ làm bài học cho chính bản thân mình.

      Việc tôn trọng ý kiến, quan điểm của người khác cũng mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa, lợi ích quan trọng. Khi lắng nghe quan điểm của người khác giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về họ, hiểu họ và từ đó đánh giá được con người của họ và khi tôn trọng quan điểm của người khác, chúng ta sẽ được họ tôn trọng lại. Việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn.

      Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng quan điểm của người khác, luôn cho mình là nhất, quan điểm của mình là đúng và người khác là sai. Lại có những người khi không đồng tình với quan điểm của người khác thì tìm cách vùi dập, hạ bệ họ… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

      Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, hãy sống và trở thành con người có ích, tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình để góp phần khiến cho cuộc sống này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.


Nghị luận xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác - Bài mẫu 3

      Được sinh ra và lớn lên, chúng ta ai cũng mang trong mình một cái “tôi” cao ngất ngưởng, một cái tôi vừa phải sẽ giúp bạn biết bảo vệ bản thân, có chính kiến trong mọi việc. Tuy nhiên, nếu cái “tôi” đó vượt quá mức cho phép, bạn sẽ trở thành một con người, dễ bị đụng chạm đến lòng tự ái, đặc biệt sẽ trở nên bảo thủ, luôn coi mình là đúng, mọi cái nhìn và quan điểm của bản thân mới là chính xác nhất, còn lại những người khác đều là sai. Đó là một nhận định vô cùng nguy hiểm, để có thể phát triển và duy trì những mối quan hệ xung quanh bạn, sự tôn trọng quan điểm của người khác là vô cùng cần thiết.

      Vậy như nào là quan điểm? Quan điểm là góc nhìn, lí lẽ, suy nghĩ của một người về một vấn đề, sự việc nào đó, và tất nhiên, thế giới 8 tỉ người này không thể chỉ có chung 1 suy nghĩ. Do ảnh hưởng của môi trường sống, nhận thức mà mỗi người lại mang 1 quan điểm khác nhau, và có những vấn đề không phải lúc nào cũng có thể phân định rạch ròi đúng hay sai.

      Ví dụ như chúng ta có cùng 1 con số, nhưng người đứng phía dưới thì nói đó là số 6, người đứng phía ngược lại thì nói là số 9. Theo bạn, ai là người đúng? ai là người sai? Tất nhiên là không có ai sai ở đây cả, chỉ là do góc nhìn nhận của họ khác nhau.

      Nếu chúng ta luôn cho rằng mình đúng, người khác mới nói xong vấn đề bạn đã ngay lập tức phản đối, nói rằng người ta sai, thì dần dần, những người đó sẽ không bao giờ muốn nói ra quan điểm của họ với bạn nữa, bạn sẽ bị người ta ghét bỏ và xa lánh. Ngược lại, nếu bạn biết lắng nghe và tôn trọng quan điểm của họ, bạn sẽ được yêu quý và tôn trọng. Rõ ràng, biết cách tôn trọng ý kiến của người khác trong cuộc sống là rất quan trọng.

      Tuy nhiên, bạn phải phân biệt được “tôn trọng ý kiến của người khác” và “không có chính kiến bản thân” là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Tôn trọng nghĩa là bạn sẽ nhẹ nhành trình bày, đóng góp ý kiến cá nhân sau khi lắng nghe họ, để cả 2 đi đến 1 quyết định sáng suốt nhất. Còn nếu người đó nói chữ B là A, bạn cũng bảo đó là A mặc dù sai rành rành, thì bạn đã trở thành 1 con người không có chính kiến, không có tiếng nói. Và tất nhiên, người thiệt thòi vẫn sẽ là bạn.

      Vậy nên, hãy học cách chia sẻ quan điểm cá nhân trong hòa nhã, biết cách tôn trọng và lắng nghe quan điểm, ý kiến của người khác, bạn sẽ có một cuộc sống vui vẻ và thoải mái với tất cả mọi người xung quanh.

icon-date
Xuất bản : 07/10/2021 - Cập nhật : 07/10/2021